Ai phải đền bù trong những vụ án oan thế kỷ?

16:06, 08/05/2017
|
(VnMedia) - Thời gian qua, nhiều vụ án oan sai đã được làm sáng tỏ. Những nạn nhân trong các vụ án oan sai này đều đã được xin lỗi và tuyên bố vô tội. Tuy nhiên, hậu những vụ án oan là vấn đề bồi thường và đây là vấn đề được dư luận quan tâm. Vấn đề là ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường trong những vụ án oan này?
 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
 
Thời gian gần đây, dư luận liên tiếp được biết đến những vụ án oan lịch sử do những sai sót nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Đó là vụ án oan sai của ông Trần Văn Thêm (SN 1936, trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) người bị kết án oan hơn 40 năm do bị cáo buộc liên quan đến vụ giết người, cướp tài sản trong một chòi cắt tóc ven đường huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phú cũ); Ông Huỳnh Văn Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người. Cuối năm 2015, ông Nén được TAND Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết người trong vụ án ông được tuyên. Đến cuối tháng 4 vừa qua, sau nhiều lần thương lượng, Bộ Tài chính đã duyệt chi hơn 10 tỷ đồng để bồi thường cho ông Nén; Đó còn là vụ án oan sai 26 năm của cựu Chủ tịch phường, ông Châu Ngọc Ngừng (SN 1957, trú tại TP.Bến Tre; nguyên chủ tịch phường 6, TP.Bến Tre); hay vụ án oan gây chấn động dư luận khác, vụ án Hàn Đức Long - người 4 lần bị kết án tử - được minh oan.
 
Sau khi được công khai xin lỗi và minh oan, vấn đề quan trọng nhất được đặt lên bàn cân chính là vấn đề bồi thường.
 
Đơn cử như trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén, năm 2016, đã có 5 lần thương lượng liên quan đến bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén nhưng không có kết quả. Và mới đây nhất, Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 14/4 thống nhất bổ sung dự toán năm 2017 hơn 10 tỉ đồng (từ nguồn chi quản lý hành chính ngân sách trung ương năm 2017) để TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai cho ông Nén và gia đình.
 
Một khúc mắc khác của câu chuyện bồi thường chính là việc khi xác định được số tiền bồi thường, ai sẽ là người phải chi trả số tiền này, dùng ngân sách nhà nước hay từ đâu?
 
Theo quy định của pháp luật, trong những vụ bồi thường oan sai, nhà nước phải ứng tiền trước để trả cho người bị oan sai, sau đó mới tính toán xem oan về vấn đề nhận thức hay cố ý, không phải cứ thế là truy tiền của người thi hành công vụ.
 
Tuy nhiên, căn cứ Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009. Nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ thì " Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả; Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".
 
Như vậy, nếu cán bộ gây oan sai không hoàn trả tiền cho Ngân sách thì Bộ Tài chính có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng được qui định tại Điều 597 Bộ Luật Dân sự 2015: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".
 
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đã có quy định người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại dẫn đến bản án oan sai phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. "Việc cần làm là phải thực hiện đúng theo quy định của luật trong thực tế, như vậy, mới có thể rằng buộc được trách nhiệm của người thi hành công vụ và hạn chế được tối đa những vụ án oan do chủ quan của người thi hành công vụ gây nên", luật sư Kiệm nói.
 
Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc