Nguồn lực đâu để miễn học phí và tăng lương?

12:53, 09/12/2017
|
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục hiện hành có 2 điểm lưu ý là miễn học phí đối với các cấp học phổ cập và tăng lương cho giáo viên. Vấn đề đặt ra là lấy nguồn lực từ đâu?
Nhà nước sẽ tiến tới thực hiện miễn học phí đối với học sinh cấp THCS
Nhà nước sẽ tiến tới thực hiện miễn học phí đối với học sinh cấp THCS

Miễn học phí: mất khoảng 3.000 tỉ đồng/năm

Do nguồn lực kinh tế VN còn thấp, mới thoát nhóm quốc gia nghèo từ năm 2010, trong khi nhu cầu được đi học và được tiếp cận giáo dục chất lượng cao gia tăng đáng kể (theo thống kê của Tổng cục Thống kê có khoảng 25% dân số VN đi học, từ mầm non đến ĐH, cao bằng một số quốc gia phát triển), vì vậy ngân sách nhà nước (NSNN) không đảm bảo nổi, nên phải thực hiện giáo dục có học phí (chỉ miễn phí cấp tiểu học) và thực hiện xã hội hóa giáo dục bằng cách cho phép thành lập các trường tư thục và quốc tế.
 
Mặc dù đến nay VN đã đạt phổ cập giáo dục THCS nhưng theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ (1.4.2014) thì tỷ lệ biết chữ của người dân từ 15 tuổi trở lên toàn quốc đạt 94,7%, trong đó vùng trung du và miền núi phía bắc đạt 89%. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS, THPT trong tổng số người dân từ 15 tuổi trở lên toàn quốc là 29,5% và 13,5%, trong đó vùng ĐBSCL đạt thấp nhất là 19,1% và 7,1%. Số người dân có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên, trong số người dân từ 15 tuổi trở lên đạt 17,2%.
 
Như vậy, có thể khẳng định trong số người dân từ 15 tuổi trở lên vẫn còn nhiều người chưa học hết cấp THCS. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cấp học THCS chưa thực hiện miễn học phí, do đó một bộ phận người dân nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương chưa được đi học đến cấp THCS.
 
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu thực hiện miễn phí đối với THCS, một năm mất khoảng 2.000 tỉ đồng, nếu miễn phí luôn giáo dục mầm non mất thêm 1.000 tỉ đồng nữa. Trong bối cảnh ngân sách bị bội chi, nợ công ngày càng tăng cao, bù thêm một khoản chi 3.000 tỉ đồng hằng năm là một vấn đề nan giải cho tài chính quốc gia.
 
Việc đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp lần này không phải là mới, vấn đề này đã được khẳng định trong các văn bản, chủ trương của Đảng và Nhà nước hàng chục năm nay. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến ngày 21.8.2017, toàn quốc có hơn 1,4 triệu người gồm giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục. Nếu tăng lương, đây là một khoản ngân sách không hề nhỏ. Nếu xếp lương cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp thì sẽ gần bằng với mức lương của công an, quân đội. Vì vậy, nhà nước và ngành giáo dục phải tìm những giải pháp phù hợp.
 
Giải pháp tạo nguồn
 
Theo số liệu thống kê của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), tổng nguồn NSNN dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2015 là 224.826 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi NSNN. Theo các số liệu thống kê quốc tế và VN, tổng chi cho giáo dục và đào tạo của VN chiếm 8,3% GDP, thuộc vào những nước cao của thế giới, trong đó chi từ ngân sách là 5% (60% tổng chi) và từ đóng góp của người dân là 3,3% GDP (40% tổng chi). Nếu tăng thêm hàng chục ngàn tỉ đồng nữa thì NSNN khó có thể chịu được, vì vậy phải có sự chia sẻ của người dân bằng một số giải pháp.
 
Trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển, nhiều vùng nông thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, giao thông đi lại thuận lợi, internet phát triển, những vùng này nên sáp nhập những trường quy mô nhỏ thành trường quy mô lớn hoặc ghép trường tiểu học, THCS hoặc trường THCS với trường THPT thành trường phổ thông đa cấp để giảm số cán bộ quản lý và nhân viên.
 
Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế, có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cần thay đổi quy định thi đua, đồng thời thực hiện tăng lương theo lộ trình, từng bước đối với giáo viên các cấp và từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi. Bên cạnh đó, cho phép đột phá ở các địa phương có khả năng về ngân sách (như TP.HCM) thí điểm trước để đánh giá tác động và rút kinh nghiệm cho cả nước.
 
Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất như ưu đãi về thuê đất, thuế thu nhập… để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập các trường tư thục chất lượng cao nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách. Đồng thời thực hiện sự công bằng giữa người học trường công lập và ngoài công lập.
 
Bản thân giáo viên cần thay đổi tư duy, nhận thức, đó là lương và tất cả các khoản chi cho giáo dục rất lớn, tất cả đều do thuế của doanh nghiệp và người dân đóng góp, cần phải có trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, từ đó cần nâng cao trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
 
13 và 43
 
Theo Đài truyền hình VN, một phường, xã ở Philippines có số dân tương ứng một phường chuẩn ở VN (trên 10.000 nhân khẩu), trong đó số người ăn lương từ ngân sách là 13 (kể cả cảnh sát và quân đội). Trong khi đó số người ăn lương ở phường, xã tương ứng ở VN là 43, chưa tính cảnh sát và quân đội!
 
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có 1.581 phường, 603 thị trấn và 8.978 xã. Nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Đài truyền hình VN, tính bình quân số người nhận lương từ NSNN là hơn 450.000, gần bằng 45% số giáo viên phổ thông của cả nước.
 
Quốc hội và Chính phủ đã quyết tâm giảm số công chức ăn lương nhà nước ở mọi cấp. Giảm thiểu những người hưởng lương từ NSNN không chỉ tinh giản bộ máy mà còn ý nghĩa kinh tế to lớn. Chỉ cần giảm 50% số công chức ăn lương cấp phường, thị trấn và xã thì NSNN hằng năm tiết kiệm khoảng 10.000 tỉ đồng.
 
Nguyễn Kim Hồng
 
Theo Thanh niên

Ý kiến bạn đọc