70 hộ dân gần chục năm khốn khổ sống "treo" ngay giữa thành phố!

10:28, 14/04/2017
|

Được thông báo giải phóng mặt bằng phục vụ dự án du lịch từ năm 2008, nhưng đến nay 68 hộ dân xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình vẫn chưa được đền bù, dời đến nơi ở mới. Gần chục năm qua, những hộ dân này phải sống "treo” giữa thành phố, chưa biết đi đâu về đâu.

Tình trạng sống "treo” của 68 hộ với hơn 100 khẩu thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình diễn ra nhiều năm nay. Các hộ dân, chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì điều này mà hàng chục hộ dân chưa biết đi đâu về đâu, luôn sống trong tình cảnh thấp thỏm, dở khóc dở cười. 

Con đường dẫn vào nơi ở của chục hộ dân thôn Ích Duệ đang phải sống
Con đường dẫn vào nơi ở của chục hộ dân thôn Ích Duệ đang phải sống "treo" ở thành phố Ninh Bình.

Chúng tôi tìm đến thôn Ích Duệ đúng vào ngày trời mưa, con đường đất nhầy nhụa không có bê tông dẫn đến hơn chục hộ dân trong thôn nằm sát bên hồ Mắt Rùa (Dự án Công viên văn hóa Tràng An). Đang chăn đàn dê, thấy chúng tôi hỏi đường, ông Phạm Viết Phú (56 tuổi) nói: “Các chú đến xóm sống" treo” chứ gì! Nhà tôi cũng có ở đó”.

Biết chúng tôi về tìm hiểu những khó khăn của người dân gần 10 năm qua kể từ khi nhà nước có thông báo giải tỏa nhưng chưa được dời đến nơi ở mới, ông Phú như gặp được người chia sẻ, trút bỏ hết những bức xúc lâu nay đang bức bối trong lòng.

Người đàn ông 56 tuổi cho hay, nhà ông cùng hơn chục hộ dân khác (trong tổng 68 hộ của thôn) thuộc diện di dời trước tiên vì nằm gọn vào quy hoạch lòng hồ. Thế nhưng từ khi nhận được thông báo giải phóng mặt bằng đến nay đã gần 10 năm gia đình ông chưa được di dời đến nơi ở mới, việc giải tỏa đền bù cũng chẳng thấy đâu.

Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Phú chỉ lên mái trần chi chít những vết tường nứt, có chỗ nước mưa ngấm vào làm rêu mốc, màu hoen ố trên tường hiện rõ. Căn nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, đổ mái bằng giờ trở nên ẩm thấp, xập xệ. Biết là nhà xuống cấp nhưng vì thuộc diện giải tỏa nên nhiều năm qua ông Phú có muốn sửa cũng chẳng được vì không được phép. 

Căn nhà mái bằng xuống cấp nhưng nhiều năm qua gia đình ông Phú không dám sửa chữa.
Căn nhà mái bằng xuống cấp nhưng nhiều năm qua gia đình ông Phú không dám sửa chữa.

Sống trong căn nhà xuống cấp, trật trội 4 nhân khẩu trong gia đình ông chỉ biết thở dài cho qua ngày đoạn tháng, chờ ngày dời đến nơi ở mới vì hơn 300m2 đất của gia đình đã bị thông báo thu hồi.

Căn nhà ở là thế, những công trình phụ, nhà chăn nuôi gia súc cũng đã bung ngói nhưng ông Phú không dám sửa lại vì chẳng biết lúc nào đi, còn ở lại được ngày nào nên chỉ che phủ tấm bạt tạm lên làm mái che mưa nắng cho gia súc, gia cầm. “Đất ruộng nhà nước thu hồi hết rồi, đất ở cũng phải giải tỏa nhưng chưa biết lúc nào đi, giờ ở tạm, sống treo, nuôi mấy con dê kiếm kế sinh nhai qua ngày vậy thôi chú à”, ông Phú nói.

Không chỉ hộ ông Phú mà nhiều hộ dân khác trong thôn cũng sống trong tình cảnh “dở khóc dở cười” vì không biết ngày nào đi, còn ở lại được ngày nào. Nhà cửa nhiều hộ trật trội, xuống cấp muốn xây dựng mới cũng không được, sửa chữa kiên cố để ở cũng không xong. Chỗ chui ra chui vào của nhiều hộ ngày mưa thì ẩm mốc, ngày nắng thì nóng bức ngột ngạt nhưng cũng đành “sống khổ” gần chục năm qua.

Ông Bùi Văn Cường (63 tuổi) thở dài: “Nhà có 4 người sống trong căn nhà cấp 4, nhiều năm nay các cháu muốn sửa lại nhà cho chắc chắn, mùa mưa bão không còn lo nhà bị dột, bay ngói, nắng không còn nắng nhưng cũng không làm được, vì biết ở đây được bao lâu nữa, nhà nước giải tỏa rồi có được đền bù. Chấp nhận ở trật trội, khổ sở vậy thôi”. 

Nhà nuôi gia súc của gia đình ông Phú không còn ngói nhưng không dám sửa lại, chỉ che tạm tấm bạt.
Nhà nuôi gia súc của gia đình ông Phú không còn ngói nhưng không dám sửa lại, chỉ che tạm tấm bạt.

Theo tìm hiểu của PV, những hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất thuộc diện giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án khu cây xanh, lòng hồ, Công viên văn hóa Tràng An và được UBND tỉnh Ninh Bình thông báo thu hồi đất bàn giao cho dự án từ năm 2008.

Nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng cho 68 hộ dân này dự kiến là 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần chục năm qua tổng số vốn này mới chỉ bố trí được 20 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư. Được biết, khu tái định cư này tỉnh Ninh Bình giao cho UBND thành phố Ninh Bình triển khai, dự kiến đến tháng 6/2017 mới hoàn thành.

Ông Lê Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất thừa nhận, việc người dân thôn Ích Duệ có ý kiến phản ánh là chính đáng. Không chỉ người dân mà xã cũng rất nhiều lần có kiến nghị lên cấp trên, qua các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến nhưng đến nay việc giải phóng vẫn chưa được triển khai.

“Để giải phóng mặt bằng 68 hộ dân UBND xã phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện về tái định cư, kinh phí giải phóng mặt bằng sau đó mới triển khai công tác giải phòng mặt bằng, rồi mới chuyển dân đến nơi ở mới. Thành phố cùng xã đang nỗ lực xây dựng khu tái định cư sớm hoàn thành để triển khai việc giải phóng mặt bằng cho các hộ dân”, ông Nam nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất, diện tích đất xã thu hồi để xây dựng khu tái định cư cho 68 hộ dân thôn Ích Duệ giai đoạn 2 là 7,8ha tại khu Cửa Bạc. Đây là diện tích đất 2 lúa của người dân 5 thôn gồm: Nguyễn Xá, Thượng Nam, Thượng Bắc, Đề Lộc và Ích Duệ. Số tiền GPMB cho các hộ dân 5 thôn này cũng đã tri trả xong. 

Dự án cây xanh, lòng hồ công viên văn hóa Tràng An xây dựng dở dang khiến nhiều hộ dân xã Ninh Nhất sống trong tình cảnh
Dự án cây xanh, lòng hồ công viên văn hóa Tràng An xây dựng dở dang khiến nhiều hộ dân xã Ninh Nhất sống trong tình cảnh "dở khóc dở cười" gần chục năm nay.

“Chúng tôi cũng mong muốn dự án xây dựng lòng hồ, công viên văn hóa triển khai nhanh, không chỉ tạo cảnh quan đẹp cho địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương”, ông Nam chia sẻ.

Ông Phú xúc: “Đất ruộng của chúng tôi giờ bị thu hồi hết rồi, nhiều người dân trong thôn không có việc làm, mua con trâu con bò, con dê về nuôi. Chúng tôi cho trâu bò ra diện tích đất bị thu hồi (bờ hồ) chăn thả tận dụng nguồn cỏ tự nhiên ở đây thì bị bảo vệ của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cấm không cho chăn thả, họ còn đòi phạt, gọi công an bắt chúng tôi nữa.

Trong khi đó, hồ nước chúng tôi nhường đất để làm dự án, người dân chưa được hưởng lợi, ngược lại doanh nghiệp lại cho đơn vị khác thuê hồ thả cả rồi làm dịch vụ cho câu, như thế có đúng và có quá bất công, thiệt thòi cho người dân địa phương chúng tôi không”.

Theo Thái Bá (Dân Trí)


Ý kiến bạn đọc