Vụ livestream phim 'Cô Ba Sài Gòn' dưới góc nhìn pháp lý

20:42, 15/11/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, hành vi quay lén bộ phim và đưa lên mạng xã hội của nam thanh niên đã có dấu hiệu phạm tội xâm phạm quyền sở hữu tác giả.

Sáng 15/11, làm việc với cơ quan điều tra nhà sản xuất phim 'Cô Ba Sài Gòn' - diễn viên Ngô Thanh Vân đã tuyên bố sẽ không nhân nhượng với việc làm của nam thanh niên 19 tuổi có hành vi livestream lén bộ phim này.

Bộ phim Cô Ba Sài Gòn được livestream trên một trang phim online.
Bộ phim 'Cô Ba Sài Gòn' được livestream

Trước đó, chiều ngày 13/11, chỉ vài ngày sau khi khởi chiếu (ngày 10/11), bộ phim 'Cô Ba Sài Gòn' bất ngờ "được" livestream toàn bộ trên một fanpage về phim, thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Có thời điểm, số người cùng lúc xem livestream này lên đến hơn 3.000 người.

Sự việc được xác định diễn ra tại một rạp chiếu phim ở TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngay sau đó, nhờ sự giúp đỡ của ban quản lý rạp đã xác định được người thực hiện livestream này là N.V.T (19 tuổi, ngụ tại TP.Vũng Tàu).

Ngay sau đó, nam thanh niên này đã bị bắt. Hiện tại toàn bộ hồ sơ đã được chuyển đến Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để giải quyết nhanh chóng.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 62 Hiến pháp 2013 quy đinh “ Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), đối tượng quyền tác giả bao gồm mọi sản phẩm sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện dưới bất kỳ hình thức và bằng bất kỳ phương tiện nào, không phân biệt nội dung, giá trị và không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục nào.

Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác được bảo hộ trong đó có bao gồm: Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); Quyền tác giả đối với một tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là một loại quyền tài sản nên cũng được coi là một loại tài sản theo quy định tại Điểu 105 Bộ luật dân sự năm 2015.

Do đó, Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.

Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định Hành vi xâm phạm quyền tác giả “Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả”

"Xét hành vi của nam thanh niên đã quay lén tại rạp bằng hình thức livestream và lên trên một fanpage về phim đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tác giả được quy định tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Hành vi quay lén bộ phim và đưa lên mạng xã hội của nam thanh niên đã có dấu hiệu phạm tội xâm phạm quyền sở hữu tác giả", luật sư Thơm nói.

Tuy nhiên, luật sư Thơm cũng cho rằng, tùy theo theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử lý bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP (hành vi này bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền sở hữu tác giả theo Điều 170a BLHS sửa đổi 2009 và Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).

Theo hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự 2015 có lợi cho người phạm tội thì dấu hiệu bắt buộc phải chứng minh hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi của đối tượng xâm phạm đến quyền sở hữu tác giả gây ra cho chủ thể từ 100 triệu trở lên hoặc đối tượng phạm tội thu lợi bất chính tối thiểu từ 50 triệu đồng trở lên.

Mặt khác, đây là tội phạm được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

"Trong trường hợp này, chủ sở hữu có thể làm đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra về hành vi bị xâm phạm quyền sở hữu tác giả. Trên cơ sở các chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và hậu quả thiệt hại xảy ra thì Cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật", luật sư Thơm nói.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc