Việt Nam là 1 trong 10 nước có rủi ro tấn công mạng cao nhất thế giới

14:59, 19/01/2017
|

(VnMedia) - Theo một đánh giá gần đây, Việt Nam là một trong 10 nước có rủi ro bị tấn công mạng cao nhất thế giới. Theo thống kê của VNCERT, trong nửa đầu năm 2016, Vietnam hứng chịu 127.000 cuộc tấn công mạng. Đây là những con số rất đáng lưu tâm.

Cũng theo VNCERT, tại Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công có chủ đích (APT), xu hướng gia tăng các mã độc tống tiền ransomware, tấn công vào các thiết bị IoT như camera, SmartTV, sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, mạo danh và đánh cắp thông tin… Website của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công.

An ninh bảo mật hiện là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Theo bà Lương Thị Lệ Thủy - Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, các lãnh đạo đang cân nhắc về việc đầu tư về bảo mật, công nghệ, giải pháp, quy trình, con người… ngày càng nhiều. Do đó, thị trường giải pháp an ninh mạng, bảo mật tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và mở rộng.

Nói về giải pháp an ninh bảo mật, Cisco được xem là công ty hàng đầu trên thế giới. Hàng năm Cisco chi ra gần 6 tỷ USD để phát triển công nghệ. Cisco tiếp cận an ninh mạng theo một kiến trúc tích hợp, lấy mối đe dọa làm trung tâm cho phép các giải pháp an ninh mạng có thể đối phó với các mối đe dọa một cách thông minh và nhanh chóng tại bất kỳ điểm tương tác nào, với khả năng “nhìn thấy ngay tức khắc, ngăn chặn khắp mọi nơi”. Các khả năng bảo mật được hợp nhất trong tất cả các sản phẩm và dịch vụ trong môi trường CNTT từ hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu cho tới các thiết bị di động, giúp bảo vệ toàn diện trước, trong và sau cuộc tấn công.

Cisco đưa ra hai tiêu chí cho cạnh tranh về giá tại Việt Nam. Tiêu chí thứ nhất là hiệu quả, và tiêu chí thứ 2 là mức giá hợp lý. Hiệu quả có nghĩa là những giải pháp của Cisco giúp giải quyết được những bài toán của an ninh bảo mật để làm sao đưa ra những hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp với mức giá hợp lý nhất cho thị trường Việt Nam. Đó là lý do tại sao Cisco vẫn chiếm một thị phần lớn về bảo mật, an ninh mạng tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Rất tiếc tôi không thể đưa ra một con số chính xác.

Trả lời câu hỏi: Làm sao để các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam vừa tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng vừa tiếp tục tiến hành số hóa?, bà Lương Thị Lệ Thủy cho hay, bảo mật luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, tổ chức và càng trở nên đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên số hóa. Và an ninh cũng là ưu tiên hàng đầu của Cisco trong tất cả các giải pháp công nghệ của mình.

Để có thể bảo vệ chính mình trong kỷ nguyên số hóa với rất nhiều mối đe dọa tấn công, các doanh nghiệp và tổ chức cần nâng cao năng lực an toàn thông tin ở ba yếu tố cơ bản: con người, quy trình, và giải pháp công nghệ thông qua các khóa đào tạo, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thông tin và xử lý khi có sự cố, triển khai các giải pháp an toàn bảo mật một cách toàn diện.

Trong kỷ nguyên số hóa, bức tranh về an ninh mạng đang thay đổi với những đặc trưng khác biệt: bề mặt tấn công ngày càng rộng, đối tượng thực hiện tấn công rất đa dạng, các công cụ và phương thức tấn công ngày càng phức tạp. Cisco là công ty đầu tiên xây dựng kiến trúc an ninh mạng lấy mối đe dọa làm trung tâm, và cũng là công ty cung cấp các giải pháp và sản phẩm an ninh mạng toàn diện nhất để bảo vệ khách hàng khỏi các cuộc tấn công mạng và các mối đe dọa thường trực.

Kiến trúc an ninh mạng của Cisco cung cấp khả năng bảo vệ trong cả vòng đời của một cuộc tấn công, đó là trước, trong và sau cuộc tấn công. Kiến trúc này dựa trên ba yếu tố cơ bản. Thứ nhất là khả năng cung cấp thông tin và sự thông minh của hệ thống mạng (Intelligence Driven), đảm bảo an ninh tích hợp, xây dựng mạng lưới các cảm biến an ninh và khả năng tự động phòng vệ của hệ thống mạng. Thứ hai là đảm bảo an toàn mọi lúc mọi nơi (Security Everywhere) với các công cụ luôn sẵn sàng phòng chống các mối đe dọa với kho thông tin khổng lồ và luôn được cập nhật trên nền tảng đám mây. Thứ ba là bảo vệ tích hợp (Integrated Defense) bằng việc xây các nền tảng thiết bị an ninh mở, linh hoạt, có khả năng mở rộng với tính năng quản trị và kiểm soát tập trung.

Với kiến trúc và giải pháp an ninh mạng của Cisco, khách hàng có thể biết rõ hơn về những gì đang xảy ra trong hệ thống mạng của mình; Bảo vệ tốt hơn bằng việc ngăn chặn các mối đe dọa trước - trong - và sau cuộc tấn công. Khách hàng cũng có thể phản ứng nhanh hơn bằng khả năng tự động hóa của hệ thống an toàn bảo mật.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc