Tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Bắc Bộ trước 1/7/2017

11:02, 27/02/2017
|

(VnMedia) - Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Đề án số hóa truyền hình mặt đất là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước giao phó, vì vậy các địa phương, doanh nghiệp truyền hình được giao nhiệm vụ cần có sự quyết tâm, tích cực để Đề án có những bước đi tiếp theo đúng với lộ trình.

Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện theo 4 giai đoạn. Ở thời điểm này đã hoàn thành triển khai giai đoạn I và 08 tỉnh thuộc giai đoạn II. Các địa bàn đã thực hiện số hóa xong bao gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Giai đoạn II của Đề án số hóa truyền hình mặt đất được tiếp tục thực hiện đối với 7 địa phương thuộc Bắc Bộ bao gồm: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Việc mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, truyền tải các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương trên sóng truyền hình số mặt đất cần được sớm hoàn thành để có thể ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 1/7/2017.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: mic.gov.vn

Trên cơ sở đó, liên quan đến việc truyền tải các kênh truyền hình chính trị, thiết yếu của địa phương, Trưởng Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam tại Phiên họp lần thứ 12 của Ban chỉ đạo đã yêu cầu các Đài phát thanh truyền hình tỉnh có trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng và đưa các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương phát sóng không khóa mã trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất ngày 1/7/2017.

Hiện nay, tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ có 04 đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất, bao gồm: 03 đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng toàn quốc (VTV, VTC, AVG) và 01 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực (RTB). Trong thời gian vừa qua, các đơn vị truyền dẫn phát sóng và các Đài Phát thanh truyền hình địa phương đã bắt đầu phối hợp triển khai phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương lên sóng truyền hình số mặt đất.

Tại buổi làm việc giữa với Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình mặt đất các tỉnh/thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng diễn ra cuối tuần qua, đại diện các địa phương khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở các địa phương này. Các địa phương cũng mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng có giá cả hợp lý, chất lượng phủ sóng số hóa tốt để sớm hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất và phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu theo đúng lộ trình.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Đề án số hóa truyền hình mặt đất là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước giao phó, vì vậy các địa phương, doanh nghiệp truyền hình được giao nhiệm vụ cần có sự quyết tâm, tích cực để Đề án có những bước đi tiếp theo đúng với lộ trình. Theo Thứ trưởng Phan Tâm, để đảm bảo lộ trình của Đề án, địa phương và các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ nhau để đảm bảo khi tắt sóng analog đã có hợp đồng truyền dẫn. Tuy nhiên, địa phương phải chủ động lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về giải pháp phát sóng số các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương, để có thể ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo đúng lộ trình của Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo, để tìm được giải pháp hợp lý cho việc tắt sóng tại địa phương, các Sở TT&TT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị thuộc Bộ là Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử để có thể tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về việc phát sóng kênh thiết yếu. Cụ thể, Sở TT&TT tham mưu sớm để tỉnh có quyết định trước 30/3/2017 để ngày 30/5/2017, Bộ tổ chức điều phối các doanh nghiệp truyền hình và Đài truyền hình Việt Nam có các hợp đồng kinh tế truyền dẫn phát sóng để các kênh thiết yếu lên sóng, phục vụ phát thử, đảm bảo đúng lộ trình tắt sóng vào trước ngày 1/7/2017.

PV


Ý kiến bạn đọc