Smart City: Từ chủ trương tới thực tế triển khai tại Việt Nam

13:01, 26/06/2017
|

(VnMedia) Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng lựa chọn triển khai smart city cho nhiều khu đô thị để giải quyết các vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Sau hai năm, Việt Nam đã có hàng chục đô thị triển khai chủ trương này, với mức độ triển khai khác nhau.

Chủ trương của Chính phủ trong việc xây dựng các đô thị thông minh

Theo số liệu từ Vụ Khoa học công nghệ, Bộ TT&TT, tính tới cuối năm 2015, Việt Nam có khoảng gần 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 23% năm 1999 lên mức 35,7% vào năm 2015. Diện tích của các đô thị chỉ chiếm hơn 10% tổng diện tích cả nước song lại đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách.

Tuy số lượng đô thị tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, xuống cấp nhanh dẫn đến những hậu quả như: tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải ô nhiễm môi trường… Nhiều đô thị đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng lựa chọn triển khai smart city cho các khu đô thị này nhằm giải quyết các vấn đề nói trên.

Chủ trương phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ cách đây vài năm và chính thức được hiện thực hóa từ cuối năm 2015 bằng Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước với mục tiêu và nhiệm vụ “triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo tiêu chí do Bộ TT&TT hướng dẫn”.

Tiếp đó, tháng 11/2016, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII từ tháng 11/2016 cũng nhấn mạnh một số nội dung Ưu tiên phát triển đô thị thông minh. Đến tháng 12/2016, Văn phòng Chính phủ ra Công văn số 10384/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng: “Bộ TT&TT khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban  hành các tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện.”

Dựa trên chủ trương xây dựng các đô thị thông minh của Chính phủ, nhà nước khuyến khích các tỉnh thành thực hiện xây dựng các smart city trên nguyên tắc địa phương đóng vai trò chủ động. Nguồn ngân sách thực hiện được hình thành từ việc huy động nguồn vốn xã hội. Quá trình triển khai bắt đầu bằng việc xây dựng kế hoạch tổng thể giai đoạn 3-5 năm, trong đó trong 1-2 năm đầu sẽ triển khai các chương trình thí điểm. Việc xây dựng đề án tổng thể cần khảo sát nhu cầu của người dân và quá trình thực hiện cần tiến hành từng bước: thí điểm, rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng dần.

Các dự án ngành dọc cần được xây đựng trong một tần nhìn tổng thể để có thể kết nối liên thông dữ liệu, dùng chung hạ tầng vật lý và dữ liệu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ phù hợp.

Thực tế triển khai smart city tại các địa phương

Ngay sau khi có chủ trương từ Chính phủ, một số tỉnh thành phố lớn đã bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào triển khai với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông - CNTT lớn trong nước. Cho tới nay, hơn 20 tỉnh thành phố đã đang triển khai dưới hình thức như vậy.

Trong đó, một số tỉnh thành phố đã bắt đầu triển khai xây dựng Đề án Đô thị thông minh như Huế (2015), Đà Nẵng (7/2016), Quảng Ninh (8/2016), Tp.HCM (9/2016), Kiên Giang (Huyện đảo Phú Quốc - 9/2016), Lâm Đồng (Tp Đà Lạt - 10/2016), Bình Dương (9/2016), Thanh Hóa (Tp Thanh Hóa - thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn - 9/2016), Hải Phòng (11/2016), Vĩnh Phúc (3/2017), Đăk Lăk (Thành phố Buôn Ma Thuột - 1/2017), Tiền Giang (Thành phố Mỹ Tho - 2/2017), …

Ngoài ra, một số tỉnh lựa chọn các danh nghiệp cung cấp giải pháp của nước ngoài như Microsoft để phối hợp tư vấn, triển khai đề án tổng thể. Một số địa phương đã phê duyệt đề án tổng thể như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh…. Trong số đó một vài tỉnh đã lập ban chỉ đạo, điều hành dự án. Nhiều tỉnh thành khác thì lựa chọn triển khai thử một vài lĩnh vực đang cần như Chính phủ điện tử, y tế  thông minh, giao thông thông minh… trước khi xem xét tới việc hình thành một đề án tổng thể.

Tại thủ đô Hà Nội, UBND thành phố đã có chủ trương định hướng xây dựng đô thị thông minh với ba giai đoạn cụ thể và đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Microsoft về triển khai. Trong đó, các doanh nghiệp VT-CNTT trong nước sẽ cung cấp các giải pháp thành phần. Hiện nay, thành phố đã triển khai các dự án nhỏ trong nhiều lĩnh vực như Giáo dục, Giao thông, Chính quyền điện tử và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ví dụ như triển khai ứng dụng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến cho 2.620 trường học trên địa bàn, với tổng số hơn 600.000 học sinh; Triển khai hệ thống camera gồm 400 chiếc để giám sát các tuyến giao thông và phục vụ việc điều khiển hệ thống đèn giao thông tại 179 nút cao điểm; Thí điểm ứng dụng quản lý bãi đỗ xe thông minh iParking tại 17 điểm trên phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt; Triển khai thí điểm hệ thống sổ theo dõi sức khỏe cho người dân đến trạm y tế tại gần 600 xã phường, thị trấn…

Nhà cung cấp nội được ưa chuộng

Giống như lĩnh vực viễn thông, các nhà cung cấp giải pháp smart city trong nước đang có phần được ưa chuộng hơn so với các nhà cung cấp ngoại. VNPT hiện là một trong những cái tên được nghĩ tới khi các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng đô thị thông minh. Doanh nghiệp này hiện đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng đô thị thông minh với khoảng 8 tỉnh thành phố trên cả nước. Mới đây nhất, vào ngày 19/6 và 22/6, VNPT đã được Cà Mau và Hà Nam tin tưởng lựa chọn là đối tác đồng hành cùng tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh.

 Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi đầu tiên trên cả nước triển khai xây dựng smart city. VNPT đang bắt tay vào triển khai đề án với mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành hình mẫu về smart city tại Việt Nam. Hiện VNPT đã gần như hoàn thành giai đoạn 1 trong lộ trình 4 giai đoạn với 5 hệ thống được lắp đặt và đưa vào sử dụng (Hệ thống chính quyền điện tử, Hệ thống Smart Wifi, Hệ thống Quản lý lưu trú trực tuyến, Hệ thống giám sát môi trường, Hệ thống Camera giám sát an ninh).
Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi đầu tiên trên cả nước triển khai xây dựng smart city. VNPT đang bắt tay vào triển khai đề án với mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành hình mẫu về smart city tại Việt Nam. Hiện VNPT đã gần như hoàn thành giai đoạn 1 trong lộ trình 4 giai đoạn với 5 hệ thống được lắp đặt và đưa vào sử dụng (Hệ thống chính quyền điện tử, Hệ thống Smart Wifi, Hệ thống Quản lý lưu trú trực tuyến, Hệ thống giám sát môi trường, Hệ thống Camera giám sát an ninh).

Không trực tiếp chỉ rõ nguyên nhân, tuy nhiên, có thể thấy nhiều tỉnh đã quyết định chọn VNPT là đối tác đồng hành cùng chiến lược xây dựng smart city của tỉnh sau một thời gian thực hiện Thỏa thuận hợp tác toàn diện về VT-CNTT với VNPT. Có thể thấy, những nỗ lực của VNPT trong việc xây dựng hạ tầng viễn thông - CNTT cũng như hiệu quả rõ rệt khi áp dụng các giải pháp CNTT trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, chính phủ điện tử… của VNPT là bằng chứng đáng tin cậy về năng lực về hạ tầng, về tài chính, về nhân lực của doanh nghiệp này trong lĩnh vực VT-CNTT. Các giải pháp, đề xuất triển khai smart city của VNPT cũng phù hợp hơn với đặc trưng riêng của từng tỉnh thành, thay vì một mô hình giải pháp chung như các đối tác nước ngoài.

Thực tế thì trước đó giải pháp của VNPT đã nhận được sự đánh giá cao của cả cơ quan quản lý và được Chính phủ kỳ vọng sẽ là một trong những doanh nghiệp đầu tàu cùng nhà nước thực hiện chủ trương xây dựng các đô thị thông minh tại Việt Nam.

Đại diện VNPT cho biết, không chỉ tự xây dựng các giải pháp của mình, VNPT đã và đang hợp tác với các đối tác Viễn thông-CNTT hàng đầu thế giới để đưa các giải pháp hiện đại, tiên tiến có tính bảo mật và an toàn cao nhất, phù hợp nhất cho khách hàng của mình. Thêm vào đó, VNPT cũng đề xuất nhiều phương án triển khai như hợp tác công tư, thuê ngoài dịch vụ… phù hợp với tình hình ngân sách của nhiều địa phương.

Số lượng các tỉnh thành triển khai chủ trương này trong thời gian tới có thể sẽ tăng mạnh bởi hiện Bộ TT&TT đã bắt đầu có hướng dẫn với các tỉnh và xu hướng lựa chọn nhà cung cấp giải pháp trong nước vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo.

Hoàng Vũ


Ý kiến bạn đọc