Việt Nam có thể triển khai công nghệ 4G nhanh hơn các quốc gia khác

15:36, 01/08/2017
|

(VnMedia) - Theo đánh giá của đại diện Qualcomm, Việt Nam có đủ điều kiện ứng dụng và phát triển công nghệ 4G nhanh hơn các nước khác. Tuy nhiên, khi nói 4G đã phủ trên 90% đất nước/dân số, đó chỉ mới là độ phủ. Kỳ vọng của người dùng khi sử dụng 4G là sự đột phá về chất lượng.

Đánh giá về việc triển khai công nghệ 4G LTE của các doanh nghiệp Việt thời gian qua, ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm Đông Dương và Việt Nam, ở Việt Nam, trong việc triển khai dịch vụ 4G LTE, công nghệ không phải là thách thức lớn nhất vì hiện nay công nghệ đã rất phát triển. Với 4G là một thế hệ công nghệ mới, kỳ vọng của người dùng rất cao, chất lượng phải mang tính đột phá. Sắp tới, trong việc phát triển 4G LTE tại Việt Nam, các nhà mạng và cả hệ sinh thái di động, khi đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng LTE, cần tập trung vào chất lượng và trải nghiệm.

Khi nói đến triển khai rộng rãi 4G, không có nghĩa đã xong, vì công nghệ 4G vẫn đang phát triển. Nhiều nơi trên thế giới, tốc độ 4G đã đạt đến Gigabit, tương đương tốc độ cáp quang. Để làm được điều đó, về mặt chính sách, cần phải bổ sung thêm băng tần cho 4G, mới triển khai được các công nghệ như gộp ba sóng mang, tiếp tục đầu tư về công nghệ để đưa 4G lên tốc độ Gigabit.

Đặc biệt, sự khác biệt giữa 4G và 3G đó là các nhánh công nghệ của 4G giúp nhà mạng mở rộng rất nhiều các dịch vụ mới, không chỉ kết nối smartphone và con người, mà còn kết nối vào máy móc cũng như các thiết bị khác; thực hiện tầm nhìn thành phố thông minh, IoT và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khiến các nhà máy, doanh nghiệp trở nên thông minh hơn. Trong các nhánh của công nghệ 4G, có những mảng được thiết kế chuyên dành cho IoT như công nghệ NB-IoT, CAT-M1 cho các thiết bị phục vụ cho thành phố thông minh hoặc trang trại thông minh... Do đó việc triển khai 4G vẫn còn nhiều bước phải thực hiện, và cần liên tục đẩy mạnh công nghệ mới, đa dạng hóa các dịch vụ.

Và muốn tiến lên 5G, thì phải có hạ tầng 4G tốt. Không có con đường đi lên 5G mà không có hạ tầng 4G tốt. Do đó, mọi việc phát triển công nghệ cho 4G đều rất tốt và phục vụ cho việc tiến đến 5G trong khoảng 2020. Vấn đề quan trọng hiện tại là làm thế nào đảm bảo được chất lượng 4G, thu hút rộng rãi người dùng sử dụng 4G, và phổ biến 4G - vì 4G là tiền đề cần thiết để triển khai 5G. Nếu không tạo được nền tảng 4G tốt, việc triển khai 5G tại Việt Nam có thể sẽ bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của đại diện Qualcomm, Việt Nam có đủ điều kiện ứng dụng và phát triển công nghệ 4G nhanh hơn các nước khác. Khi nhìn lại sự phát triển của 3G, khi đưa dịch vụ này ra vào năm 2009, đã mất khoảng 6-7 năm để đến thời điểm thuê bao 3G vượt quá 50%. Trung bình, thời gian từ 2G lên 3G sẽ gấp đôi thời gian từ 3G lên 4G - đó là mức trung bình. Việt Nam có thể triển khai nhanh hơn vì một số lý do sau: thứ nhất, các nhà mạng, khi nhận giấy phép thì tiến hành triển khai trên toàn quốc; Thứ hai, hiện nay, lượng smartphone vào Việt Nam trong năm nay có đến 90% hỗ trợ 4G, trong khi tỷ lệ thiết bị hỗ trợ 4G năm trước thấp hơn rất nhiều; và giá thiết bị đầu cuối cũng giảm đi. Do đó việc thay đổi thiết bị từ 3G sang 4G dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, giá cước 4G các nhà mạng Việt Nam đưa ra cũng hợp lý và ngay cả với mức giá bằng 3G, các nhà mạng đã có lợi nhuận cao hơn khi cung cấp dịch vụ 3G, do chi phí cung cấp 1GB trên 4G thấp hơn trên 3G. Tuy nhiên, khi nói 4G đã phủ trên 90% đất nước/dân số, đó chỉ mới là độ phủ. Kỳ vọng của người dùng khi sử dụng 4G là sự đột phá về chất lượng.

Muốn chất lượng đột phát so với 3G thì có rất nhiều việc cần thực hiện: tính năng mới của 4G như gộp sóng mang, triển khai công nghệ mới như Voice-over-LTE để người dùng thấy dùng thoại trên LTE rõ hơn các công nghệ cũ... Về phía nhà mạng, cần phải tiếp tục đầu tư vào hạ tầng 4G, và việc này còn phải tiếp tục trong các năm tới. Đặc biệt, trong 1-2 năm đầu, công tác tối ưu mạng lưới là rất quan trọng. Qualcomm hiểu được điều này, do đó, hiện nay, các kỹ sư Qualcomm đang ở Hà Nội làm các dự án kéo dài vài tháng nhằm giúp các nhà mạng tối ưu mạng 4G, bằng cách lấy mẫu một quận và tối ưu hóa mạng 4G tại khu vực đó, để các nhà mạng có thể từ đó tối ưu hóa trên diện rộng. Tại thời điểm hiện nay ở Việt Nam, với sự sẵn sàng của thiết bị, việc chuyển đổi lên 4G sẽ diễn ra rất nhanh.

Được biết, năm 2017, lần đầu tiên Qualcomm có kỹ sư đóng hỗ trợ cho các công ty Việt Nam như BKAV, VNPT… trong việc thiết kế, sản xuất sản phẩm dựa trên công nghệ của Qualcomm. Theo ông Thiều Phương Nam, Qualcomm đã tiến hành hợp tác với các công ty Việt Nam trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm cho 4G LTE và IoT. Qualcomm khá hài lòng trong việc hỗ trợ, hợp tác với các công ty Việt Nam để giúp họ đưa ra những sản phẩm trên nền tảng LTE và những sản phẩm IoT.

Đầu năm 2017, Qualcomm đã hợp tác với VNPT trong mảng thiết kế và sản xuất thiết bị di động và IoT, với mục đích hỗ trợ VNPT thực hiện tầm nhìn làm chủ công nghệ, làm chủ sản xuất thiết bị cho mạng lưới của mình, khách hàng của mình. Những sản phẩm, thiết bị này sẽ không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ những thị trường khác trong tương lai của VNPT.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc