Cơ hội tiếp cận công nghệ mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam

06:28, 21/12/2017
|

(VnMedia) - Triển lãm GrowTech 2017 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc tế đã thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam tiếp cận trực tiếp với công nghệ mới, nhằm mang lại hiệu quả cho việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Triển lãm GrowTech 2017 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc tế đã thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam tiếp cận trực tiếp với công nghệ mới, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngành công nghiệp quốc tế, là đòn bẩy để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, kết nối đầu tư, thúc đẩy truyền thông nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Dưới sự chủ trì của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Triển lãm lần đầu tiên đã thu hút 10.000 lượt khách tham quan và các đại biểu quan khách, chuyên gia đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm và giao dịch với hơn 200 gian hàng đến từ hơn 100 doanh nghiệp. Chuỗi hội thảo chuyên ngành diễn ra trong khuôn khổ Growtech cũng thu hút tới gần 500 lượt người tham dự.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc nâng cấp, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thúc đẩy các hoạt động giao thương trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp là điều cần thiết phải thực hiện. Theo đó, GrowTech Expo 2017 đã mang lại cơ hội giao thương, tiếp cận công nghệ cụ thể trong các lĩnh vực như nông nghiệp chính xác, xây dựng công trình công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản và máy móc dùng trong lâm nghiệp.

Sản phẩm ứng dụng công nghệ mới được giới thiệu tại triển lãm.
Sản phẩm ứng dụng công nghệ mới được giới thiệu tại triển lãm.

Sau sự kiện, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết: “Trong 3 ngày tổ chức sự kiện, các hoạt động thăm quan, trao đổi, đàm phám và thậm chí là ký kết các biên bản hợp tác, hợp đồng kinh tế liên tục được diễn ra là tín hiệu đáng mừng cho thấy các chủ thể trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp của Việt Nam đã tích cực nắm bắt các cơ hội đổi mới công nghệ, tiếp cận các nguồn lực quốc tế, tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài hoạt động chính là trình diễn mô hình kỹ thuật, hoạt động kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm, một trong những nội dung quan trọng nhất, cũng diễn ra liên tục trong suốt sự kiện, thu hút sự quan tâm tham gia của rất nhiều các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tôi cũng rất vui mừng khi được báo cáo sơ bộ ngay sau sự kiện rằng có nhiều thương vụ ban đầu đã kết nối thành công”.

Nhiều bài học kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hữu ích

Trong khuôn khổ Growtech, đã diễn ra 4 hội thảo chuyên ngành với nhiều thông tin hữu ích được chia sẻ. Tại buổi Hội thảo “Nông nghiệp Israel vượt qua thách thức tự nhiên bằng đổi mới công nghệ”, ngài Đại sứ Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị về câu chuyện nông nghiệp của đất nước này.

Vượt qua những khó khăn thách thức về cả yếu tố tự nhiên lẫn nguồn lao động, Israel đã trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bậc nhất trên thế giới. “Làm cho hoang mạc nở hoa” đã từng là ước mơ của những người nông dân Israel - một quốc gia thiếu thốn nguồn nước ngọt, quỹ đất nông nghiệp không nhiều và nguồn lao động trong lĩnh vực này này càng giảm sút. Và cho đến ngày nay, ước vọng đó đã được hiện thực hóa bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ sản xuất.

Hội thảo chế biến bảo quản sp nông nghiệp, trao giải các doanh nghiệp tiêu biểu Growtech
Hội thảo chế biến bảo quản sp nông nghiệp, trao giải các doanh nghiệp tiêu biểu Growtech

Hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống quản lí trang trại bò sữa, công nghệ sửa đổi gen trong nông nghiệp, tạo ra những giống cây trông vật nuôi mới cùng máy móc robot phục vụ nông nghiệp… là những công nghệ tiên tiến của Israel mang đến giải phát tối ưu, giúp tăng năng xuất, sản trong lượng nông nghiệp được cả thế giới công nhận.

Tại hội thảo “Lâm nghiệp Việt Nam với cách mạng 4.0: ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ và phát triển rừng” do Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chủ trì, hệ thống trạm quan trắc thời tiết tự động phục vụ dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; ứng dụng công nghệ DNA mã vạch (DNA Barcode) trong công tác quản lý giống cây lâm nghiệp và lâm sản cùng Hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng là những tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao được giới thiệu.

Hệ thống trạm quan trắc thời tiết tự động phục vụ dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng được phát triển trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới của công nghệ điện, điện tử, công nghệ thông tin và hạ tầng cơ sở viễn thông mạnh của Việt Nam. Sau khi lắp đặt, trạm khí tượng sẽ tự hoạt động bình thường ở tất cả những nơi có mạng điện thoại di động, không cần người vận hành, không cần cấp nguồn điện. Trong tương lai, hệ thống sẽ tiếp tục được phát triển để thúc đẩy tự động hóa trong bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và tổ chức sản xuất lâm nghiệp.

Hội thảo “Phát triển công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp” do Cục chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn chủ trì cũng đã giới thiệu tới các doanh nghiệp và các bác nông dân về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Đây là các chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Các doanh nghiệp rất cần lưu tâm đến những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật này để mang đến những sản phẩm hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dung phù hợp với quy định của nhà nước.

Hội thảo “Thương mại hóa công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam” do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì lại đưa ra những hỗ trợ, tư vấn phương án sản xuất kinh doanh để tạo ra những sản phẩm có tính thương mại cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang đến những giải pháp về công nghệ cho hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.

Một trong những sản phẩm nhận được sự quan tâm của Hội thảo là giá thể gốm xốp kỹ thuật phục vụ trong sản xuất nông nghiệp được nghiên cứu và chế tạo bởi Học viện Nông nghiệp. Hạt gốm xốp kỹ thuật là một loại giá thể có độ xốp và độ thông thoáng cao, chứa nước, giữ dinh dưỡng và còn là môi trường sinh trưởng thích hợp của các loại vi sinh vật. So với các loại sản phẩm gần giống gốm xốp thường được gọi là sỏi nhẹ hoặc hạt sét nung đang có mặt trên thị trường, sản phẩm gốm xốp Việt Nam có giá thành rẻ hơn, có thể hút được nước, dự trữ nước và chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Có thể khẳng định, bên cạnh hoạt động triển lãm, Hội thảo chính là hoạt động xúc tiến, tạo ra cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá cho sản phẩm công nghệ của mình, góp phần thay đổi nhận thức về sản phẩm của Việt Nam - những sản phẩm được nghiên cứu chế tạo áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại, không thua kém bạn bè quốc tế đồng thời cũng mang lại cho khách tham dự giải pháp tối ưu giúp nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc