Động vật Ai Cập cổ đại tuyệt chủng vì bị ướp xác

07:03, 15/01/2012
|

(VnMedia) - Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hàng triệu động vật đã bị giết và ướp xác theo nghi lễ tại Ai Cập cổ đại. Thậm chí điều này đã gây nên sự tuyệt chủng ở một số loài.‭ ‬

Một cuộc triển lãm ‭tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia của Viện Smithsonian ở Washington, D.C. (Mỹ) cho thấy, hầu hết các loài động vật ở Ai Cập cổ đại đều bị giết và ướp xác hàng loạt.

‬Trong đó, nhiều con vật được tạo ra chỉ để trở thành xác ướp phục vụ các nghi lễ thờ cúng thần linh trong đời sống và tôn giáo của người Ai Cập.

"Các vị thần đều có con vật tượng trưng khác nhau. Do đó, người Ai Cập cổ đại cũng muốn ướp xác động vật để làm bạn đồng hành với con người khi họ qua đời" - người phụ trách triển lãm Melinda Zeder, giám đốc của chương trình khảo cổ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia của Viện Smithsonian cho biết.

Việc ướp xác động vật bắt đầu từ rất sớm, khoảng 3000 năm trước Công nguyên và thời kỳ phát triển nhất là từ năm 650 trước Công nguyên đến năm 200 sau Công nguyên. ‭

‬"Hàng triệu động vật như chó, mèo được các thầy tế nuôi tại đền thờ đã bị ướp xác. Hoạt động này còn mở rộng ra các loài động vật thiêng hoang dã như cò và khỉ đầu chó. Điều này cũng có thể là một phần nguyên nhân cho sự tuyệt chủng của các động vật ở Ai Cập" - bà Zeder nói.

Ảnh minh họa

Hình ảnh bên ngoài (trái) và ảnh chụp cắt lớp của xác ướp mèo Ai Cập cổ đại


Cò và khỉ đầu chó được ướp xác vì chúng là vật biểu trưng cho thần Thoth - vị thần của sự khôn ngoan. Các loài chim ăn thịt được gán cho thần Horus - thần chim ưng, trong khi mèo được hiến tế cho nữ thần Bastet.

Trong số này, mèo con là loài vật phổ biến vì xác ướp của chúng có thể đặt thêm vào quan tài một cách dễ dàng. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, đã có hàng triệu xác ướp mèo được tạo ra ở thời kỳ đỉnh cao của nghi lễ ướp xác động vật tại Ai Cập.

Số lượng này nhiều tới mức, vào cuối thế kỷ 19, một công ty đã mua khoảng 180.000 xác ướp mèo sau đó nghiền thành bột và trở thành phân bón cho các cánh đồng ở nước Anh.

Cò và khỉ đầu chó cũng là các loài thường được ướp xác. Thậm chí, các nhà khoa học đã tìm thấy các xác ướp giả của 2 loài này do chúng đã bị tuyệt chủng.

Trường hợp đặc biệt trong số các xác ướp động vật tại Triển lãm là xác ướp của một con bò với sừng và mắt được làm bằng giấy bồi. Được tạo ra trong khoảng từ năm 300 trước Công nguyên đến năm 400 sau Công nguyên, đây có thể là con vật may mắn nhất ở Ai Cập.

Bò là con vật tượng trưng cho 2 vị thần - Ptah và Osiris, được người Ai Cập tôn thờ như vị thần hộ mệnh của bản thân họ. Vì thế, chúng được nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo nhất trong số các loài vật, thậm chí còn được massage hàng ngày và cho ăn các loại thức ăn tốt nhất từ khi sinh ra cho đến khi chết (khoảng 20 năm).

Trái lại, một số ít loài động vật lại không có mặt trong danh sách ướp xác để làm vật hiến tế, ví dụ như lợn và hà mã đực.

"Lợn và hà mã đực có liên quan tới thần Seth. Tuy nhiên, trong thời kỳ sau này của lịch sử Ai Cập, khi ướp xác động vật ngày càng trở nên phổ biến, thần Seth lại ít được coi trọng so với các vị thần khác. Vì thế, 2 loài động vật biểu trưng trên cũng thoát khỏi việc bị ướp xác" - giáo sư Ai Cập học Salima Ikram tại Đại học Mỹ ở Cairo, người đã giúp đỡ cho triển lãm của Viện Smithsonian chia sẻ với Discovery News.

Là một chuyên gia hàng đầu về xác ướp động vật, Ikram hiện đang thực hiện một nghiên cứu về việc động vật ở Ai Cập cổ đại đã được nuôi, chăm sóc và bị mang đi để ướp xác như thế nào.


Hoàng Anh - Discovery

Ý kiến bạn đọc