Hà Nội rà soát toàn bộ chung cư cũ để phát hiện nguy hiểm

06:59, 10/10/2015
|

(VnMedia) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.

Chung cư cũ Hà Nội
Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ chung cư cũ

Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng tập trung, đẩy nhanh tiến độ khảo sát, đánh giá các chung cư cũ thuộc phạm vi quản lý của Thành phố; rà soát toàn bộ các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, nếu phát hiện các trường hợp có nguy cơ mất an toàn, chung cư nguy hiểm cấp độ D, phải kịp thời đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

Ông Tuấn yêu cầu các quận, huyện như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, Đông Anh có trách nhiệm chủ động rà soát các chung cư cũ trên địa bàn, kịp thời thông báo với Sở Xây dựng những trường hợp chung cư có dấu hiệu nguy hiểm mất an toàn, đồng thời phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Thành phố xác định việc rà soát toàn bộ chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần khần trương triển khai.

Hiện toàn thành phố Hà Nội có 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 4-6 tầng và 10 khu nhà thấp tầng từ 1-3 tầng. Phần lớn những khu nhà này đều đã bán cho người dân sở hữu. Số nhà chung cư cũ tương đương với diện tích 1,7 triệu mét vuông đang cần được cải tạo hoặc xây dựng lại do xuống cấp nghiêm trọng, vì đã xây dựng 30 - 40 năm, như các khu chung cư cũ.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, các dự án cải tạo nhà chung cư cũ tại Hà Nội không có bước tiến nào đáng kể. Mục tiêu giảm mật độ dân số tại 4 quận nội thành từ 1,2 triệu người/km2 xuống còn 0,8 triệu người/km2 vẫn chưa có phương án khả thi.

Cũng liên quan đến sự an toàn đối với các ngôi nhà cũ, mới  đây, sau vụ sập nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo làm 2 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, triển khai thực hiện một số việc như sau: Rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình; Rà soát các công trình hết thời hạn sử dụng trên địa bàn (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ) và có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các chủ sở hữu, người quản lý sử dụng phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định và kiểm tra công tác bảo trì của các tổ chức, cá nhân nêu trên.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị chủ sở hữu công trình, đặc biệt là các công trình đã hết thời hạn sử dụng, tăng cường chủ động kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu mất an toàn, kịp thời thông báo cho chính quyền các cấp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng; có biện pháp khắc phục kịp thời để bảo đảm an toàn cho công trình.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc