Người giàu và người nghèo có nên sống tách biệt?

15:50, 10/11/2015
|

(VnMedia) - Việc có nên tách người nghèo và người giàu ra những khu riêng biệt và đưa người nghèo ra khỏi trung tâm thành phố... đang nhận được những ý kiến trái chiều. VnMedia xin được trích đăng một số ý kiến để bạn đọc tham khảo.

Bà Debra Efroymson, Giám đốc văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam:

Debra Efroymson
Bà Debra Efroymson

"Việc hình  thành và phân chia các khu vực cho người dân sống theo tầng lớp và thu nhập mà nhiều thành phố đang làm không phải là một giải pháp hay để giải quyết các vấn đề của đô thị. Lợi ích lớn nhất của cuộc sống đô thị là cơ hội được gặp và giao tiếp với rất nhiều người khác nhau về nghề nghiệp, cách sống, nếp suy nghĩ.

Nếu sống mà chỉ gặp gỡ và giao tiếp với những người cùng thuôc tầng lớp của mình, cùng suy nghĩ giống mình... thì thật là đơn điệu. Người ta sẽ hiểu biết nhiều hơn khi có sự tiếp xúc xã hội rộng hơn. Hình ảnh những khu dân cư xây thật đẹp với những vỉa hè trống trơn - các cánh cửa đóng im ỉm và không có công viên, nơi chẳng mấy khi nhìn thấy trẻ em, người già hay những người nghèo không phải là cuộc sống lý tưởng.

Người ta có thể mong muốn thể hiện cuộc sống dư dả của mình bằng việc xây những ngôi nhà đắt tiền, mua những xe máy hoặc xe ô tô đời mới nhưng chỉ bằng việc giao tiếp hàng ngày với nhiều người khác, ngay cả với những người lạ, mới giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc như thế nào. Chính vì vậy, việc quy hoạch thành phố cần tính đến cả những nhu cầu thực tế của con người, thúc đẩy sự gần gũi và giao lưu giữa mọi người chứ không phải là sự tách biệt và biệt lập.

Nếu hiện đại hoá có nghĩa là sự biệt lập thì không chỉ nét quyến rũ của thành phố mà cả niềm hạnh phúc của cư dân sẽ giảm bớt. Người ta đã chứng minh rằng không phải tiền bạc hay vật chất mà chính sự giao tiếp và mối liên hệ giữa con người mới là những yếu tố quyết định hạnh phúc. Theo định nghĩa này, chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới, bỏ xa nước Mỹ và đứng thứ nhất ở Châu Á.”

TS Vũ Thị Vinh, chuyên gia đô thị, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam:

Vũ Thị Vinh
TS Vũ Thị Vinh

"Tôi đã đi Ấn Độ và thấy ở Dehli, người ta xây những khu vực cho người thu nhập thấp cách trung tâm 20 cây số nhưng đã bị bỏ hoang vì không có người nào đến đó ở. Có 2 lý do, một là ở đó thì họ sẽ đi làm ở đâu? Ở trong thành phố thì người ta còn kiếm được việc làm, còn ở đó mà đi vào thành phố thì không có giao thông thuận tiện và đi lại tốn kém. Cuối cùng, người ta quay trở lại để ở trong các khu ổ chuột.

Tôi đã từng hỏi và họ nói: Đó là điều mà các bạn cũng nên cân nhắc suy nghĩ trong vấn đề sinh kế của người nghèo ở các khu đô thị.

Vấn đề 20% - 25% diện tích dành cho nhà ở xã hội, tôi nghĩ không quá khó khăn để giải quyết. Chúng ta nên quy hoạch hoặc xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ ở các tầng phù hợp và có thêm nhiều giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ. Khi người nghèo và người giàu ở gần nhau thì tính xã hội tốt hơn, giúp cho sinh kế của người nghèo, người thu nhập thấp tốt hơn…"

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam :

Trần Huy Ánh
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh

"Tôi băn khoăn trước định dạng ai là người "giàu", ai là người "nghèo" trong cái thành phố quê tôi có tên là Hà Nội. Tôi có may mắn gặp nhiều người rất "giàu" tại Hà Nội, họ đã hiến cho Nhà nước hàng tạ vàng, hàng dãy nhà khi đất nước gặp khó khăn... và được họ kể câu chuyện họ đã rời quê nghèo ra Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 với đôi bàn tay trắng, làm việc cực nhọc, nhịn ăn, nhịn mặc để gây dựng cơ đồ, trở nên "giàu" như thế nào: có cửa hàng vàng bạc lớn giữa phố Hàng Trồng, phố Tràng Tiền…, Nhưng rồi họ từ bỏ của cải để giáo dục con cháu học hành giỏi giang, chịu đựng cái gian khổ, cái cảnh "nghèo" khi cả đất nước còn chưa giàu... Tôi vẫn nghĩ họ là những người "giàu” giữa cái thành phố "giầu/nghèo" lẫn lộn này.

Tôi có gặp một ông quản lý kiến trúc Thành phố kể cho hay một anh bạn trẻ (chắc cũng xuất thân từ vùng quê nghèo khó nào đó) bỗng dưng có trong tay nghìn tỷ, vạn tỷ, định xây cái nhà đắt lắm giữa phố Tràng Tiền. Ông quản lý kiến trúc không ngớt lời ngợi ca "đại gia giàu có / tuổi trẻ tài cao”, nhưng tôi thì nghi lắm. Rồi vài tháng sau, thấy ông "siêu giàu" bị bắt, nay thì không biết ông ấy là người "giàu" hay "nghèo". Tôi có mặc cảm gì với họ mà phải tách rời chúng tôi ra?"

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN:

"Hiện nay, quan điểm của những người làm chính sách và những nhà kinh doanh đang coi nhà ở chủ yếu chỉ là nơi ở, nhưng không hiểu rằng nhà ở không chỉ là cái mái che lên đầu mà phải có dịch vụ kèm theo, và điều quan trọng hơn là tạo ra thu nhập cho người ở đó, thứ mà người ta vẫn gọi là sinh kế.

Tư duy quy hoạch trên thế giới hiện nay coi trọng nguyên tắc sử dụng đất hỗn hợp đa chức năng chứ không phải là những khu nhà chỉ để ở. Điều này có thể chống lại sự nhàm chán của những khu đô thị mới mà thực chất chỉ như một “thành phố ngủ”, tức là nơi chỉ để người ta về ngủ.

Đặc biệt, ở những nơi ấy, người giàu và người nghèo sẽ cùng cộng sinh. Người nghèo có thể cung cấp dịch vụ như dọn vệ sinh, bán những mặt hàng thiết yếu… và như vậy, người ta có thể kiếm sống ngay trong khu ở. Ngược lại, người giàu cũng có thể trả tiền để được tận hưởng những dịch vụ tiện ích, phù hợp với văn hóa tiêu dùng và nhu cầu của họ.

Một đô thị đa chức năng tạo ra một cộng đồng gắn kết với nhau hơn và quan trọng là tiết kiệm được thời gian đi lại, giảm bớt ách tắc giao thông, môi trường sống đảm bảo, ít tốn năng lượng và dễ thu hút người đến ở hơn, làm nâng cao giá trị bất động sản, đô thị thu được lợi, đóng góp cho ngân sách tốt hơn."

  Fabooker Vu Hoang Linh:

"Việc hình thành các slums (khu nhà ổ chuột - PV) hay nói theo lời của ông Đực (Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất lành - PV) là những “khu vực riêng cho người thu nhập thấp” vẫn là chuyện “khó tránh” ở các nền kinh tế đang phát triển. Nhưng đưa nó thành chính sách, khuyến khích phát triển các “gated community” (khu đô thị khép kín - PV) cho người giàu trong thành phố và các “slums” ở xa thì lại là việc khác. Một thành công đáng kể trong phát triển đô thị của Việt Nam mấy chục năm qua là không để hình thành nên các khu slums này trong đô thị.

Mặt khác, giải pháp của ông Phạm Sĩ Liêm, khuyến khích người giàu người nghèo ở chung, thậm chí chia một tòa nhà thành một số tầng với giá thấp cho người nghèo, có giá cao cho người giàu, lại thiếu thực tế.

Muốn được như Châu Âu, nơi người giàu nghèo ở xen kẽ, thì dân trí văn hoá và thu nhập phải vượt ngưỡng nhất định. Mà cái đó đòi hỏi phúc lợi xã hội phải rất lớn. Nhà nước trợ giá cho người nghèo chứ không phải bắt công ty BĐS phải bán giá rẻ. Mục tiêu là thế, nhưng trước mắt người thu nhập thấp cần cơ hội để nâng cao thu nhập chứ không phải là cần ở sang".


Ý kiến bạn đọc