Hà Nội: Lấy 1600m2 công viên Thủ Lệ làm trạm biến áp

07:37, 16/01/2016
|

(VnMedia) - Hà Nội quyết định điều chỉnh một phần các ô đất CX8, CX9, TD, MG, có chức năng sử dụng đất là đất cây xanh, khu thú dữ, khu thú móng guốc và đường giao thông và đường giao thông có diện tích khoảng 1.620m2 thành đất Hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trạm biến áp 110kV...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Công viên Thủ Lệ, tỷ lệ 1/500 tại một phần các ô đất ký hiệu CX8, CX9, TD, MG để xây dựng trạm biến áp 110kV Công viên Thủ Lệ.

Theo quyết định, quy mô điều chỉnh là 1.620m2, được thực hiện theo Quy hoạch chi tiết công viên Thủ Lệ tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 11/1/2010.

Theo quy hoạch chi tiết công viên Thủ Lệ, tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 107/QĐ-UB, khu đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch thuộc một phần các ô quy hoạch CX8, CX9, TD, MG có chức năng sử dụng đất là đất cây xanh, khu thú dữ, khu thú móng guốc và đường giao thông.

Nay, điều chỉnh một phần các ô đất CX8, CX9, TD, MG và đường giao thông có diện tích khoảng 1.620m2 thành đất Hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trạm biến áp 110kV.

Chủ tịch Thành phố yêu cầu việc tổ chức không gian kiến trúc phải hài hòa với các công trình lân cận và đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong khu vực, phù hợp Quy hoạch chi tiết Công viên Thủ Lệ, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt và Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố Hà Nội.

Công viên Thủ Lệ là vườn thú của Hà Nội. Bên trong khuôn viên có một hồ lớn, giữa hồ là dải đất lớn hình oval giống giọt nước mắt. Nhiều người cho rằng, đây là lý do hồ này có cái tên Thủ Lệ, hàm ý hồ lớn giữ lấy giọt lệ ở bên trong.

Công viên Thủ Lệ nằm ở góc đường Kim Mã, Cầu Giấy, đường Bưởi, Đào Tấn và phố Nguyễn Văn Ngọc, giáp với khách sạn Hanoi Daewoo. Đây vốn là địa phận làng Thủ Lệ, một làng cổ có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), sự tích làng gắn với sự tích thần Linh Lang thờ trong đền Voi Phục.

Công viên chính thức khởi công ngày 19/5/1976, có diện tích khoảng 29 ha. Tuy nhiên, từ năm 2006, nhiều nghìn mét vuông đất công Vườn thú Hà Nội đã bị cho tư nhân mướn lại kinh doanh để mở đủ loại nhà hàng, quán bia, café, karaoke, tenis... với giá rẻ và những hợp đồng thuê đất từ một vài năm đến 25 năm, theo kết luận của Sở Tài nguyên - Môi trường là "sử dụng đất sai mục đích, vi phạm khoản 1, điều 107 Luật Đất đai năm 2003".

Sau đó, mặc dù đã được Thành phố chấn chỉnh, thu hồi nhưng hiện tại, phia đường Đào Tấn, vẫn còn dãy nhà hàng sầm uất tồn tại trên đất thuộc công viên. Trong khi đó, bên trong vườn thú được cho là tổ chức dịch vụ tùy tiện, lộn xộn và mất vệ sinh.


Ý kiến bạn đọc