Nhóm "Chống Thực phẩm bẩn" gửi kiến nghị lên Thủ tướng

13:24, 21/04/2016
|

(VnMedia) - Nhóm điều phối Chiến dịch "Chống thực phẩm bẩn" đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề thực phẩm trước thềm cuộc họp Chính phủ về vấn đề này do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.

chống thực phẩm bẩn
logo của nhóm Chống thực phẩm bẩn

Theo đó, được biết sáng ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ chủ trì một cuộc họp bàn về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề an toàn thực phẩm, đại diện cho nhóm điều phối Chiến dịch "Chống thực phẩm bẩn", ông Mai Phan Lợi viết:

“Trên góc độ người quan sát độc lập và góc độ truyền thông, tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và cá nhân ông cho vấn đề đang cực kỳ bức xúc này, bởi thực tế cho đến giờ này mỗi công dân Việt gắp miếng thức ăn đưa lên miệng vẫn chưa dám chắc chắn là nó sẽ tuyệt đối an toàn.” - ông Lợi viết.

Là người cách đây một tháng đưa ra lời kêu gọi trên Diễn đàn Nhà báo trẻ và thay mặt cho Nhóm điều hành Chiến dịch truyền thông Chống thực phẩm bẩn đang tiến hành, ông Mai Phan Lợi xin được đóng góp một vài ý kiến cho Chính phủ trong "cuộc chiến" khó khăn, với 5 nội dung:

Thứ nhất, về mặt chế tài pháp lý quy định trong Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chính phủ đã rất cố gắng khi sửa đổi, bổ sung để thiết kế tội danh ở Điều 317 BLHS, sẽ có hiệu lực từ 1/7 sắp tới, song nhiều ý kiến đánh giá vẫn rất khó vận dụng do quy định bắt buộc chứng minh lỗi cố ý (biết là chất cấm nhưng vẫn đưa vào thực phẩm) và nhất là chứng minh số tiền thu lợi phải từ 50 triệu trở lên. Nhiều quan điểm cho rằng cần xem hành vi này như hành vi giết người thì mới đủ sức răn đe. Ngoài ra với quy định bắt buộc công khai quyết định xử phạt sau 3 ngày tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, qua khảo sát ngẫu nhiên chúng tôi thấy rằng các cơ quan chức năng đã không thực thi đầy đủ, vẫn còn hiện tượng giấu hoặc gỡ thông tin trái quy định của Luật. Điều này cần phải được khắc phục, sửa chữa ngay để lập lại trật tự.

Thứ hai, về bộ máy. Hiện nay số các cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực quá nhiều, gồm y tế, nông nghiệp, công thương, khoa học công nghệ, công an, hải quan... nhưng khi có hậu quả xảy ra thì không có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm chính. Nếu Chính phủ thấy sức khoẻ nhân dân là vấn đề đáng ưu tiên trong nhiệm kỳ này thì không nên chần chừ với việc xây dựng một bộ máy đủ thẩm quyền, đủ năng lực xử lý vấn đề này và chịu mọi trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân. Cơ quan này cũng cần công khai mọi thông tin về hoạt động của mình, nhất là thông tin về các cơ sở sai phạm bị xử lý.

Thứ ba, về vấn đề truyền thông. Chúng tôi được biết nguồn lực của Chính phủ cho hoạt động này khá lớn, song thực tế nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và kể cả một bộ phận công chức, viên chức về an toàn thực phẩm chưa cao. Vì thế nguồn lực này nên được tổ chức dưới dạng Quỹ, không giao cho bộ ngành nào mà tổ chức gọi thầu công khai để mọi tổ chức, cá nhân có năng lực có thể tự do nộp đề xuất phục vụ mục tiêu chung. Quỹ này cũng nên dành một khoản ưu tiên hỗ trợ chi phí lấy mẫu, kiểm tra mà các cơ quan truyền thông tiến hành nhằm mục tiêu có các tác phẩm báo chí chính xác, thuyết phục phục vụ cộng đồng.

Thứ tư, về sự chung tay của xã hội. Chính phủ cần xác định cuộc chiến này không phải của riêng Nhà nước hay của người tiêu dùng, mà nó đòi hỏi sự chung tay của xã hội dân sự lành mạnh. Hãy mạnh dạn giải thể những hội, hiệp hội lập ra mà hoạt động kém hiệu quả hoặc chỉ tiến hành những hoạt động phục vụ lợi ích nhóm, bất chấp lợi ích cộng đồng, không có ý thức xây dựng và kiểm soát vấn đề đạo đức nghề nghiệp hội viên. Mạnh dạn bắt tay với xã hội dân sự, Chính phủ sẽ có được sự đồng thuận giúp giải quyết nhiều vấn đề chung.

Thứ năm, là việc ủng hộ thực phẩm an toàn. Lãnh đạo Chính phủ nhiều quốc gia gần đây đã làm việc này rất hiệu quả, như trực tiếp trồng rau, nuôi gà hoặc tiêu thụ thực phẩm sạch trước công chúng để làm gương. Nhóm điều phối dự kiến sẽ truyền thông cho một nhãn hiệu thực phẩm an toàn mang tên "Xanh & Sạch" với 5 đặc tính cơ bản gồm: tính an toàn, tính trách nhiệm, tính cộng đồng, tính nghĩa vụ và tính minh bạch. Nhãn hiệu này sẽ ưu tiên cho các nhà sản xuất đạt 5 tiêu chí này, có hậu kiểm, vừa nhằm giúp người tiêu dùng, vừa hỗ trợ nhà sản xuất, phân phối tử tế.


Ý kiến bạn đọc