Bác sỹ Trịnh Hồng Sơn, chuyện người tài và kình ngư

12:41, 13/08/2016
|

Việc Bộ Y Tế định điều chuyển GS.TS Trịnh Hồng Sơn từ bệnh viện Việt Đức sang Bệnh viện Hữu Nghị khiến tôi nghĩ tới kỹ thuật câu kình ngư vừa nói. Ai làm trong ngành y cũng biết bác sỹ Sơn là một kình ngư của ngành ngoại khoa. 

Tôi là người không thích câu cá nhưng tôi thích quan sát những người đi câu và các kỹ thuật câu cá của họ. Một người thân của tôi đã dạy tôi cách làm sao có thể bắt những con cá trắm đen cỡ cực lớn mà không phải dùng chày đập vỡ sọ cá để đưa lên khỏi mặt nước. Khi mắc câu, cá sẽ vùng vẫy để cố thoát. Người ta sẽ lúc thì kéo căng, lúc thì buông chùng cái lưỡi câu để cho con cá mệt. Đến con cá đã mệt rồi thì vài người sẽ nhảy xuống dùng lưới vây xung quanh nó và siết dần lại. Khi nó đã bị tóm, người ta sẽ để nó lên bờ, cho vào một cái thùng lớn với mức chỉ đủ để nó sống thoi thóp (vì con cá chết sẽ bán không được giá).  

Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn cùng các đồng nghiệp trong một ca mổ.
Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn cùng các đồng nghiệp trong một ca mổ.

Việc Bộ Y Tế định điều chuyển GS.TS Trịnh Hồng Sơn từ bệnh viện Việt Đức sang bệnh viện Hữu Nghị khiến tôi nghĩ tới kỹ thuật câu kình ngư vừa nói. Ai làm trong ngành y cũng biết bác sỹ Sơn là một kình ngư của ngành ngoại khoa. Tôi không biết số bệnh nhân ông đã mổ là bao nhiêu nhưng ít nhất là hai ba chục bạn bè tôi có người thân từng được bác sỹ Sơn mổ, tất cả đều là các ca nặng thập tử nhất sinh. Những năm gần đây ông đi sâu vào một trong lĩnh vực chuyên môn tiên tiến của thế giới là ghép tạng - cơ hội có thể được sống sót gần như bình thường duy nhất của những người bị hỏng các cơ quan nội tạng. Thế nhưng, khi quan sát tới những động thái gần đây của Bộ Y tế với ông và đọc tâm thư của ông gửi Bộ, tôi không thể không nghĩ tới cái kỹ thuật câu kình ngư mà tôi thấy.   

Đầu tiên, người ta tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm liên quan tới công việc của ông ở bệnh viện Việt Đức. Có 2 người được bỏ phiếu, có 9 phiếu và ông được sự ủng hộ cao nhất.  Thế nhưng khi cái lưỡi câu tín nhiệm không móc được vào ông mà lại chứng minh ngược lại là ông lại được tín nhiệm nhất thì họ lại điều chuyển ông sang một bệnh viện khác. Khi cái lưỡi câu bị tuột, không thể câu được cá khỏi nước, thì người ta mang lưới ra quây kình ngư để đưa nó sang một môi trường khác, nơi mà họ biết nó sẽ không thể bơi mà chỉ thoi thóp.

Tôi tự hỏi là trong cuộc họp của các quan chức hàng đầu của Bộ Y tế với bác sỹ Sơn, họ có giải thích về sự bất thường trong quyết định điều chuyển của họ không? Trong khi về phía bệnh viện Việt Đức, họ cho bỏ phiếu tín nhiệm bác sỹ Sơn thì ở phía bệnh viện Hữu Nghị, họ không làm điều đó. Không lẽ mức tín nhiệm cao nhất của nơi ông làm là căn cứ để ông phải ra đi, còn nơi ông sẽ đến thì người ta không buồn xem xét xem cán bộ sẽ nghĩ gì về ông? Không lẽ cùng là bệnh viện cấp trung ương nhưng ý kiến ủng hộ của cán bộ bệnh viện Việt Đức thì được dùng làm căn cứ để làm ngược lại (điều chuyển bác sỹ Sơn đi) còn Bộ thì không cần quan tâm tới ý kiến của cán bộ bệnh viện Hữu Nghị nơi Bộ định chuyển ông đến?   Tôi tự hỏi bác sỹ Sơn giờ này đang nghĩ gì?

Tôi tìm đọc về ông trên mạng và thấy tất cả những điều ông nói, ông nghĩ, ông viết được đăng tải trên mạng đều là về chuyên môn, không một lời đòi hỏi cho bản thân hay ca thán vì công việc. Điều đáng buồn nhất là lần đầu tiên đọc được một điều ông viết cho bản thân lại là lời cầu khẩn của ông với Bộ Y tế, cấp trên của ông, để xin được ở lại nơi ông đã cống hiến từ ngày mới vào nghề và để xin được tiếp tục các công việc ông vẫn đang thực hiện - cứu người.

Ông là kình ngư trong dòng sông chữa bệnh, cứu người; ai cũng thấy điều đó. Cái lưỡi câu tín nhiệm quăng ra đã quằn vì ông là người được tín nhiệm nhất. Giờ đây, họ đăng quây lưới bủa vây bằng những lý lẽ mù mờ để cuối cùng sẽ đưa ông sang một môi trường khác, xa lạ với chính ông. Khi làm điều đó, họ không quan tâm tới ý kiến của ông, của nơi ông đang làm việc và cả nơi họ định điều ông tới. Cách đây vài năm, báo chí đưa tin vui mừng vì Việt Nam đã thành công trong việc nuôi cá tầm, một giống cá có giá trị cao nhưng chỉ sống được ở môi trường nước lạnh ở Siberia của Nga. Thế nhưng người tài, không phải là cá tầm và thành công của người nuôi cá khác với thành công của người quản lý nhà nước. Đối với người nuôi cá, sự thành công là cá sống được ở môi trường khác. Còn đối với người quản lý, sự thành công là tạo ra môi trường cho người tài cống hiến chứ không phải mang người tài sang môi trường sẽ hạn chế sự phát huy tài năng của họ.  

Người câu cá sẽ tự hào chỉ kình ngư nằm thoi thóp và nói “tôi đã bắt được nó”. Người nuôi cá sẽ tự hào nói “tôi mang cá từ Nga sang đây và nó vẫn có thể sống được”. Người chăm sóc, bảo vệ cá và môi trường sẽ tự hào chỉ ra dòng sông mênh mông và tự hào nói “đó là nơi sống của kình ngư, và không nơi nào có môi trường tốt hơn cho kình ngư như ở đây”. 

Không rõ lãnh đạo Bộ Y tế muốn mình là người nào?   

Luật sư Thái Bảo Anh, Giám đốc công ty luật Bảo và Partner


Ý kiến bạn đọc