GS Mai Trọng Nhuận: Sẽ đánh bắt hải sản bình thường "trong thời gian không xa"

16:03, 23/08/2016
|

(VnMedia) - "Cùng với việc giám sát chặt chẽ nguồn thải từ Formosa và đẩy nhanh khả năng hồi phục của biển bằng giải pháp công nghệ, chúng ta hi vọng một thời gian không xa, biển sạch và người dân tiếp tục đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản...". - GS Mai Trọng Nhuận nói.

GS Mai Trọng Nhuận
GS Mai Trọng Nhuận

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Mai Trọng Nhuận, người đại diện nhóm nghiên cứu công bố bản báo cáo hiện trạng môi trường biển ngày 22/8 về những vấn đề còn thắc mắc xung quanh kết quả nghiên cứu của ông và các cộng sự.

-  Thưa giáo sư, kết luận của nhóm nghiên cứu cho thấy tiêu chuẩn bãi tắm và thể thao dưới nước là an toàn. Giáo sư có thể nói rõ hơn về cơ sở để đưa ra kết luận này?

Các cơ quan nghiên cứu đã dựa vào một hệ thống phương pháp khoa học trên cơ sở đánh giá đặc điểm tự nhiên thủy động lực vùng biển cũng như nguồn ô nhiễm và khả năng đặc trưng khác ảnh hưởng đến chất lượng để thiết kế một hệ thống phương pháp quan trắc, phân tích lấy mẫu đối chiếu; tham khảo kinh nghiệm và thẩm định của chuyên gia quốc tế từ khi lấy mẫu, phân tích, xử lý kết quả. Đồng thời, những kết quả phân tích cả theo không gian và thời gian đều phù hợp với quy luật chung. Điều đó chứng tỏ kết quả tin cậy, chất lượng nước biển phù hợp thực đế tắm biển và hoạt động thể thao dưới nước an toàn.

- Quá trình làm nghiên cứu đánh giá, nhóm của Giáo sư có lấy cá biển để xét nghiệm hay không? Hiện nay cá đánh ở phạm vi 20  hải lý có an toàn không?

Hiện nay, tất cả những gì liên quan đến cá biển, Bộ Y tế sẽ trả lời, chúng tôi chỉ làm về môi trường nên không thể trả lời cá có an toàn hay không. Ngay chính Bộ Y tế tới nay họ cũng chưa trả lời rõ ràng và điều này cũng không thuộc trách nhiệm của nhóm nghiên cứu về môi trường. Chúng tôi chỉ có thể nói, theo quy chuẩn môi trường Việt Nam thì đạt quy chuẩn của tắm, bảo tồn sinh vật...

- Thưa Giáo sư, chất thải của Formosa hiện nay ở đáy biển có còn không và còn bám ở rạn san hô hay không? Nếu còn thì hướng xử lý như thế nào?

Nguồn cấp từ Formosa đã được ngăn chặn, do đó các màng bám rất nhiều chỗ đã giảm nhiều. Trên hình ảnh san hô cho thấy vẫn còn một số tồn lưu, nhưng với khả năng tự làm sạch, tự phân hủy thì có thể yên tâm. Tuy nhiên, với những vùng xoáy thủy lực vẫn còn tồn dư cao các hợp chất, mặc dù dưới chuẩn, vẫn cần được giám sát chặt chẽ và thường xuyên để đánh giá và trả lời cho dân lúc nào là an toàn.

- Chất lượng nước như vậy thì có nghĩa là nuôi trồng thủy sản đã an toàn, thưa Giáo sư?

Điều này nhóm chuyên gia chúng tôi cũng không thể trả lời được mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ trả lời. Mặc dù nhìn dưới góc độ môi trường, chất lượng nước để nuôi trồng thủy sản là hoàn toàn đạt tiêu chuẩn, nhưng làm thử và kết luận như thế nào thì do Bộ NN&PTNT. Nhóm chúng tôi không có quyền và cũng không đủ thẩm quyền để trả lời.

- Quá trình nghiên cứu, nhóm có tham khảo các kết quả của bộ Y tế và Bộ NN&PTNT không?

Bộ Y tế có thông báo và chúng tôi có tham khảo nhưng để trả lời mối quan hệ giữa môi trường và cá thì phải là Bộ Y tế, giữa môi trường với nuôi trồng thủy sản thì phải Bộ NN&PTNT. Hiện nay hai Bộ này đang làm và sẽ công bố trong thời gian rất sớm. 

- Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thì khoảng thời gian bao lâu nữa biển sẽ trong sạch bình thường, thưa Giáo sư?

Cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá và xây dựng mô hình mới khẳng định được chính xác thời điểm biển khôi phục như xưa. Nhưng với những dẫn chứng hiện có thì hàm lượng Phenol và Xyanua đã giảm 90% nên biển đã an toàn, cá con bắt đầu xuất hiện và các thông số khác nói chung đều giảm theo thời gian. Cùng với việc giám sát chặt chẽ nguồn thải từ Formosa cũng như hỗ trợ các giải pháp đẩy nhanh khả năng hồi phục của biển bằng giải pháp công nghệ, chúng ta hi vọng một thời gian không xa, biển sạch và người dân tiếp tục đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản.

- Ngoài khả năng tự làm sạch của biển thì biện pháp khoa học hỗ trợ của chúng ta là gì, thưa Giáo sư?

Đó là nội dung chính của giai đoạn 2. Trên cơ sở giai đoạn 1, tiếp tục theo dõi khả năng tự làm sạch của tự nhiên và những khả năng can thiệp của con người để tìm giải pháp công nghệ tối ưu cho việc làm sạch môi trường và khôi phục hệ sinh thái.

Trong các giải pháp đó thì giải pháp quan trọng đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang làm là giám sát chặt chẽ nguồn thải từ nhà máy Formosa và có các biện pháp liên quan như đánh giá định lượng khả năng làm sạch tự nhiên. Nhưng chắc chắn phải có can thiệp của giải pháp công nghệ.

Giai đoạn 2 sẽ lựa chọn những vùng nhạy cảm hơn, có khả năng tích lũy lớn hơn và có dấu hiệu cao hơn chứ không làm dàn trải trên toàn biển vì đã có kết quả giai đoạn 1.

- Về giải pháp công nghệ, Giáo sư có thể cho biết dự kiến hướng triển khai là như thế nào?

Ở Việt Nam chúng ta chưa triển khai nhưng sẽ theo kinh nghiệm quốc tế và có thể nghiên cứu áp dụng như Nhật Bản. Hệ thống công nghệ xử lý bùn biển là khâu khó nhất, họ có công nghệ vừa hút bùn lên mà không phát tán độc tố, không hủy diệt hệ sinh thái, rồi xử lý và bồi hoàn trở lại, đảm bảo xử lý chất ô nhiễm. Giá tại Nhật Bản là 500USD/m3. Tuy nhiên, hi vọng ở Việt Nam sẽ rẻ hơn.

Chúng tôi hi vọng trên cơ sở quốc tế đánh giá hiện trạng biển Việt Nam sẽ đề xuất được công nghệ để triển khai.

-  Xin cảm ơn Giáo sư!

Ông Đỗ Hữu Tuấn – Phó cục trưởng cục an toàn Thực phẩm bộ Y Tế:

Trong thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp Bộ NN&PTNT lấy mẫu thủy sản ở địa phương giám sát trong 20 hải lý và ngoài 20 hải lý. Các mẫu này đã được lấy theo kiểm soát của Bộ NN&PTNT. Kết quả bước đầu cho thấy từ tháng 6 trở lại đây, các mẫu phát hiện chất ô nhiễm đã giảm dần nhưng chưa có kết luận cuối cùng, bao giờ có chúng tôi sẽ báo cụ thể.

Các chất tích tụ trong hải sản sẽ có độ trễ trong đào thải nên dù chúng ta công bố vùng biển an toàn thì các chất trong hải sản phải giảm dần dần chứ không thể cùng một lúc, nước biển an toàn và hải sản cũng công bố an toàn được. Ngay sau khi Bộ TN&MT công bố vùng biển an toàn, chúng tôi cùng Bộ NN&PTNT sẽ giám sát, khi nào có kết quả chắc chắn mức độ an toàn hải sản đánh bắt sẽ công bố.

 Đại diện Bộ NN&PTNT:

Thời gian qua, chúng tôi phối hợp với các bộ, kết quả quan trắc được đều gửi qua Bộ TN&MT và Viện Hàn lâm. Sau khi Bộ TN&MT công bố khu vực biển an toàn, Bộ NN&PTNT ngay lập tức đã chỉ đạo cuộc họp yêu cầu đơn vị căn cứ vào số liệu Bộ TN&MT công bố để khuyến cáo khu vực ngư dân khai thác và lấy nước nuôi hải sản ở vùng nào an toàn. 

 


Ý kiến bạn đọc