Đóng cửa siêu thị nếu phát hiện thực phẩm không an toàn!

08:21, 28/09/2016
|

(VnMedia) - “Các đồng chí phải mở các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm cao điểm ở các chợ, siêu thị trong thời gian tới. Cần thiết có thể đóng cửa siêu thị nếu siêu thị tiêu thụ các sản phẩm không an toàn, làm rõ trách nhiệm của các chủ siêu thị” - Thủ tướng cương quyết nói.

Thủ tướng
Thủ tướng làm việc tại Hà Nội

Sáng 27/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) sau khi đi thị sát chợ đầu mối Long Biên và cơ sở chuyên sản xuất rau xã Văn Đức (Gia Lâm).

Từ những thực tế “mắt thấy tai nghe”, thậm chí tận tay tận tay tìm hiểu những giếng nước, thùng đựng rác thải bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., khi tới thăm ruộng rau sạch xã Văn Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Hà Nội về những nỗ lực tạo bước chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong vấn đề ATTP.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại trong công tác bảo đảm ATTP của Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực như thức ăn đường phố, chợ cóc, chợ tạm, thực phẩm chức năng…

Nêu một số mặt tồn tại như vấn đề làng nghề, lò mổ; thực phẩm chức năng chưa có quy chuẩn; chế tài chưa rõ ràng, khó cho xử lý… Thủ tướng nhận định: “Còn nhiều vấn đề bất cập mà các đồng chí phải tiếp tục khắc phục bên cạnh những kết quả bước đầu quan trọng này”.

“Cắt cỏ còn giảm được mấy trăm tỷ đồng thì lò giết mổ làm sao không quy hoạch được”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu mỗi nhiệm vụ phải có đầu mối chịu trách nhiệm về ATTP, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, khi để xảy ra một vụ việc mất ATTP trên địa bàn mà không ai chịu trách nhiệm.

“Lò mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh trên địa bàn phường thì ông Chủ tịch phường có biết không? Chắc chắn là biết nhưng ông có xử lý không? Vì sao không xử lý?”, Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch phường về vấn đề này.

Đối với thức ăn đường phố, Thủ tướng cho rằng, phải điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm ATTP, để xảy ra ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân như các bữa ăn tập thể và cả các cửa hàng bán bánh mì.

Thủ tướng  yêu cầu Hà Nội cần thông tin tốt hơn về thực phẩm an toàn, cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn, cơ sở vi phạm để người dân biết; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho thành phố, bao gồm phát triển các vùng nông sản sạch, có thương hiệu và đẩy mạnh liên kết vùng. Kiểm soát ATTP tại các làng nghề sản xuất bánh, mứt, kẹo, giò, chả, miến…

“Các đồng chí phải mở các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm cao điểm ở các chợ, siêu thị trong thời gian tới. Cần thiết có thể đóng cửa siêu thị nếu siêu thị tiêu thụ các sản phẩm không an toàn, làm rõ trách nhiệm của các chủ siêu thị" - Thủ tướng cương quyết nói.

Thủ tướng
Thủ tướng đi thăm ruộng rau sạch

Nhân dịp này, Thủ tướng đã đồng ý để TP Hà Nội mở rộng mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP ra tất cả các huyện, xã, phường để bảo đảm tính đồng bộ trong thanh tra, kiểm tra. Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương có thông tư cụ thể về phí liên quan đến ATTP.

Cùng với đó, Thủ tướng giao TP Hà Nội nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm ATTP, đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin để xử lý vi phạm. Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tổng kết mô hình thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38 của thành phố Hà Nội để xem xét việc nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Hà Nội xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, nhân rộng mô hình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap. Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định hướng dẫn về ATTP tại các chợ, siêu thị. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không an toàn, không rõ nguồn gốc. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm việc bảo đảm kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP theo tinh thần Chỉ thị 13.

Sơ kết 6 tháng đầu năm công tác thanh tra chuyên ngành tại 5 quận và 10 xã, phường cho thấy: đã thanh tra, kiểm tra 2.563 cơ sở, phát hiện 747 cơ sở vi phạm và xử lý 543 cơ sở, phạt tiền 227 cơ sở với số tiền phạt là 750 triệu đồng. Tỷ lệ cơ sở vi phạm hành chính cao hơn so với 6 tháng cùng kỳ trước khi thực hiện thí điểm (21,2% so với 17,6%), số tiền phạt cao hơn (750.300.000 đồng so với 222.980.000 đồng).

Thành phố cũng đã thanh tra, kiểm tra đột xuất 696 cơ sở, phát hiện 176 cơ sở vi phạm và xử lý 170 cơ sở, phạt tiền 170 cơ sở với số tiền phạt trên 1,4 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến vào đầu tháng 12/2016, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp nhận 5 chiếc xe chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố sẽ lập lực lượng phản ứng nhanh, sử dụng những xe hiện đại này để thực thi công vụ. 

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc