Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí giành Giải nhất Nhân tài Đất Việt

08:22, 20/11/2016
|

(VnMedia) - GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương – người duy nhất tại Hà Nội đã ứng cử và trúng cử đại biểu quốc hội  (ĐBQH) khoá 14 và các cộng sự vừa được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 với Giải Nhất trong lĩnh vực Y dược.

Đây là một vinh dự cho không chỉ GS Nguyễn Anh Trí và nhóm nghiên cứu (13 người) mà còn là nguồn động lực lớn lao cho những người làm ngành Y dược nói riêng và các nhà khoa học nói chung.

VnMedia đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Anh Trí ngay sau khi ông đón nhận niềm hạnh phúc bất ngờ này.

nhân tài đất việt

Bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - trao giải Nhất lĩnh vực Y dược cho GS Trí và các cộng sự Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

 

- Thưa Giáo sư, trong giờ phút chắc chắn là rất hạnh phúc này, xin ông chia sẻ đôi điều về công trình vừa đoạt giải – đứa con tinh thần của GS và các cộng sự?

Tôi là Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu gồm 13 người, và giải thưởng là sự ghi nhận sự với những cố gắng không mệt mỏi của cả tập thể chúng tôi.

Đây là đề tài về tế bào gốc, là ứng dụng ngân hàng tế bào máu dây rốn cộng đồng, điều trị các bệnh cơ quan tạo máu. Đề tài được đánh giá cao là vì tính mới, tính hiện đại và rất hiệu quả.

Như các bạn đã biết, tế bào gốc là vấn đề nóng, được cả thế giới quan tâm bởi họ nhận thấy đây thực sự là một thần dược để cứu sống các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo. Trong đó, tế bào gốc máu dây rốn càng ngày càng thấy có nhiều hữu ích.

Tế bào gốc từ máu dây rốn là sản phẩm nếu không dùng chỉ có bỏ đi, nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu chiết xuất ra loại thuốc tốt điều trị cho nhiều loại bệnh.

Tế bào gốc máu dây rốn ở Việt Nam có nhiều cơ sở đã làm như Ngân hàng máu dây rốn ở TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng xây dựng ngân hàng tế bào gốc dây rốn cộng đồng thì Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là nơi đầu tiên.

Chúng tôi tiến hành xin mẫu máu dây rốn của những bà mẹ sinh con tình nguyện hiến tặng, sau đó lấy máu tế bào gốc này sử dụng cho tất cả cộng đồng chứ không phải chỉ dùng máu dây rốn đó cho đứa chính đứa trẻ đó. Đây là một điểm mới nhất, mang lại hy vọng cho tất cả những người cần đến.

Đặc biệt, tế bào máu dây rốn của các ngân hàng khác chỉ dùng cho trẻ em dưới 10kg, nhưng công trình của chúng tôi do cải tiến kỹ thuật nên đã tiếp nhận được lượng máu tế bào gốc nhiều hơn, dẫn đến dùng được tế bào gốc cho những người có thể đến 70kg. Điều này mở ra một khoảng ứng dụng vô cùng rộng lớn.

-  GS và các cộng sự của mình đã tiến hành thu thập tế bào gốc dây rốn như thế nào?

Chúng tôi kết hợp với bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, mỗi ngày đêm có 100-150 ca sinh đẻ, nhưng chúng tôi chỉ sàng lọc chọn lấy 2 mẫu vì quy trình xử lý vô cùng lâu và rất khó khăn. Đây là những sản phụ đều đã được quản lý thai nghén tốt, có bánh rau hoàn hảo nên lượng máu lấy ra rất nhiều so với lượng máu của các bà mẹ bình thường mang đến ngân hàng máu dây rốn gửi.

Chúng tôi cũng cải tiến kỹ thuật để tập trung tế bào gốc lại, xử lý bằng tay một cách tinh tế để chọn lựa ra lượng tế bào gốc nhiều hơn nhiều so với người bình thường. Nhờ vậy mà lượng tế bào gốc vừa đủ về mặt số lượng vừa đạt chất lượng rất tốt. Kết quả, khi tiến hành đọ chéo, 97% những trường hợp cần tế bào gốc máu dây rốn là tìm được mẫu phù hợp trong khi trước đây chỉ là 25%.

Nguyễn Anh Trí
GS Nguyễn Anh Trí thăm khám cho bệnh nhân

- Với những ưu điểm vượt trội như vậy, việc ứng dụng vào điều trị đã mang lại kết quả như thế nào, thưa GS?

Ở Việt Nam, trong hơn 10 năm vừa qua kể từ khi lưu giữ tế bào gốc thì mới ghép được 6 ca, nhưng tất cả các trường hợp đều dưới 10kg, lý do như tôi đã nói là do lượng tế bào gốc không đủ để ghép cho người có trọng lượng lớn hơn. Nhưng từ khi có ngân hàng tế bào gốc của Viện Huyết học truyền máu Trung ương, đến nay sau 2 năm, chúng tôi đã ghép thành công, chữa khỏi bệnh cho 5 ca bằng tế bào gốc tại ngân hàng tế bào gốc Cộng đồng.

- Dù đó là một bước tiến vượt bậc, nhưng con số 5 ca có vẻ vẫn chưa phải là số lượng mà chúng ta kỳ vọng. Vậy cần phải có điều kiện gì để ngày càng có thêm nhiều người được chữa khỏi bệnh nhờ ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học này?

Để nhiều trường hợp được sử dụng hơn, khi ghép phụ thuộc vào hai yếu tố, từ nguồn tế bào gốc và chính người bệnh. Chúng tôi đang rất quan tâm tìm kiếm, nhưng phần lớn những trường hợp ghép của chúng ta đều là những bệnh nhân quá nặng, đã ở giai đoạn cuối nên tất cả các cơ quan nội tạng đã bị hỏng hết. Tôi hy vọng từ nay về sau, khi đã biết đến câu chuyện này rồi thì sẽ có nhiều hơn nữa bệnh nhân đến điều trị kịp thời và được chữa khỏi bệnh.

Cần lưu ý rằng, điều trị có 3 giai đoạn, trước ghép, trong ghép và sau ghép. Lâu nay, chúng ta mới chỉ chú ý đến trong ghép, có nghĩa là bệnh nhân cứ đến, kiểm tra đủ điều kiện về sức khoẻ để chịu được ca ghép - một cuộc phẫu thuật lớn, là ghép. Sau này, phát hiện bệnh là phải điều trị để chuẩn bị ghép, khi sức khoẻ, tình hình người bệnh tốt lên rồi thì tìm tế bào gốc phù hợp để ghép, lúc đó lượng tế bào gốc sẽ phát huy tốt nhất.

-  Với tất cả những cố gắng dẫn đến thành công tuyệt vời của ngày hôm nay, ông muốn chia sẻ điều gì?

Tôi cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc khi nghiên cứu công trình này, những người làm khoa học chúng tôi chỉ nghĩ làm sao cứu được nhiều người bệnh, đóng góp tốt nhất cho xã hội, cho sự nghiệp y học nước nhà. Bây giờ, những thành công đó lại được đồng nghiệp, cộng đồng, xã hội đón nhận, được tôn vinh thì quá là sung sướng.

- Lâu nay, xã hội dường như có một định kiến rằng, các nhà khoa học Việt Nam có rất ít những công trình nghiên cứu có thể ứng dụng được vào trong cuộc sống, đóng góp sự phát triển của đất nước. Vậy công trình của GS có ý nghĩa gì đối với vấn đề này?

Trước hết, phải nói rằng chúng tôi rất tự hào về đóng góp của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, theo tôi, ở Việt Nam không phải là không có những đề tài tốt như bạn nói. Không chỉ ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương mà ở các viện khác đều có những đề tài rất hay.

Tôi cũng cam đoan rằng, các bạn tôi có nhiều người rất giỏi, rất sâu sắc, tầm cỡ quốc tế là chắc chắn, nhưng công bằng mà nói, một là mình chưa nói được cho xã hội biết, do truyền thông chưa vào cuộc, chưa đánh giá đúng mức độ và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng chỉ là một ví dụ, một bằng chứng cho việc này.

-  Vậy theo GS, có thể làm gì để những công trình khoa học, những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học được nhiều người biết đến, không chỉ là để được tôn vinh cho các tập thể, cá nhân mà còn là để người dân chúng ta có thể tự tin, tự hào về nền khoa học nước nhà?

Theo tôi, việc tổ chức một chương trình như Giải thưởng nhân tài Đất Việt là một ví dụ điển hình về việc tạo điều kiện, cơ hội để phát hiện, để các đề tài của các nhà khoa học được nói ra. Nhà nước nên tận dụng những sự kiện như vậy để phát huy, để tạo ra động lực, trước hết là cho chính các nhóm nghiên cứu để họ phấn chấn làm việc, phát huy, để những đề tài không chỉ trong lĩnh vực y tế mà các lĩnh vực khác, các nhóm nghiên cứu khác được đưa ra công chúng và được ghi nhận.

- Xin được cảm ơn GS. Chúc GS và nhóm nghiên cứu của mình cũng như tất cả các nhà khoa học chân chính đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu sẽ có nhiều công trình thành công và đặc biệt, được phát hiện, tôn vinh không chỉ trong phạm vi giải thưởng mà là cả xã hội đón nhận.

Giáo sư- Tiến sĩ, Bác sĩ Y khoa Nguyễn Anh Trí- Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Công dân Thủ đô ưu tú. Ông Nguyễn Anh Trí là Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương và đặc biệt hơn nữa, ông là người duy nhất tại Hà Nội tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 14.

Chương trình hành động của ông khi là đại biểu Quốc hội là tập trung các vấn đề liên quan đến y tế, như làm sao đủ máu, hạn chế các bệnh bẩm sinh di truyền, điển hình là thalasemia, quan tâm để đưa tế bào gốc trở thành một chương trình quốc gia; vấn đề y đức, BHYT, thuốc, viện phí, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, nhất là bác sĩ... là những vấn đề rất nóng trong các kỳ họp QH.

“Tôi đã hứa với cử tri sẽ cố gắng phát huy những kiến thức đã học được trong nước và nước ngoài, với kinh nghiệm có được trong quá trình làm Viện trưởng của một viện đầu ngành và làm giám đốc 4 dự án lớn để đưa vào nghị trường những vấn đề sát với thực tiễn.

Tôi sẽ năng nổ phát biểu, tích cực chất vấn để chuyển tải tất cả những tâm tư nguyện vọng của những người đã tín nhiệm bầu tôi vào trong các cuộc họp của Quốc hội để từ đó biến nó thành luật, thành những quy định có lợi cho nhân dân, đất nước".

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc