Đề xuất xây dựng khu vực Hoàn Kiếm không ô tô

07:04, 19/12/2016
|

(VnMedia) - Chuyên gia Nhật Bản đề xuất nên có đường dành riêng cho xe đạp trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và đề nghị có chiến lược xây dựng một khu vực Hoàn Kiếm không ô tô…

Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm được thí điểm tổ chức gần 4 tháng qua đã thực sự mang lại cho người dân Thủ đô và du khách một không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội.

Không gian đi bộ này cũng đã tạo lập các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, tinh hoa ẩm thực khu vực hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu mở rộng sang khu vực phố cổ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước.

Điều này được minh chứng bằng những con số đầy thuyết phục: Số lượng du khách đến với không gian này vào khoảng 1,5 triệu lượt người, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Tính trung bình có khoảng 3.000 – 5.000 người/ngày và khoảng 1,5 đến 2 vạn người/tối đã đến đây. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ cho dịch vụ, du lịch tại đây tăng 12 cửa hàng…

Đặc biệt, việc tổ chức không gian đi bộ ở trung tâm TP đã hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, góp phần tăng cường hoạt động của các tuyến xe công cộng; Gián tiếp tác động đến chủ trương đầu tư các công trình xây dựng trong khu vực trung tâm để từng bước giảm tải giao thông vào nội đô, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức không gian này, nhiều giá trị chưa được khai thác, chưa phát huy hiệu quả, nhất là giá trị của những kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, gắn liền với lịch sử của Thủ đô, vấn đề điểm đỗ xe…

Hoàn Kiếm không ô tô
Một cuộc đua xe đạp trẻ em tự phát trên khu vực đi bộ Hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: Kiến thức

Kết nối, khai thác các giá trị văn hóa

Góp ý xây dựng giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội, GS.Donyun Kim - Đại học Sung Kyun Kwan, Cố vấn Tổng thống về Chính sách kiến trúc đã đưa ra ý tưởng tạo ra một sân chơi cho giới trẻ thành phố, biến Hà Nội trở thành một thành phố vui chơi giải trí. Theo đó, ông đề xuất quy hoạch phố đi bộ khu vực Hoàn Kiếm theo hướng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình.

Đánh giá giao thông ở Hà Nội là “cực kỳ không an toàn”, GS Donyun Kim cho rằng, cần không gian nhiều hơn cho người đi bộ, trước hết cần trả lại vỉa hè cho người đi bộ; duy trì một phần đường nhất định tính từ trung tâm tâm con phố luôn thông thoáng cho người bộ, tránh xung đột giữa khách vào các cửa hàng và người đi bộ; giới hạn phần mặt tiền của các cừa hàng để phục vụ các hoạt động diễn ra bên trong và bên ngoài cửa hàng; nâng cấp hệ thống quản lý và vận hành xe buýt…

Trong khi đó, TS.Nguyễn Quang - Giám đốc UN-Habitat thì cho rằng, Hà Nội có di sản văn hóa lớn với rất nhiều lớp lang hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử, nên điều quan trọng là Hà Nội phải kết nối, khai thác được các giá trị này trong quá trình phát triển và xây dựng Thành phố bền vững, cạnh tranh với các thành phố khác của các nước, hội nhập với toàn cầu.

Xây dựng khu vực Hồ Hoàn Kiếm không ô tô

Góp ý cho quy hoạch không gian đi bộ Hà Nội, KTS.Shinichi Mochizuki, Trung tâm quốc tế về thiết kế đô thị CarFreeDay (Nhật Bản) đề xuất xây dựng khu vực Hoàn Kiếm không ô tô.

Theo KTS Mochizuki, dự án đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là một thông điệp có giá trị, cho thấy tầm quan trọng của không gian đi bộ, thúc đẩy thử nghiệm hệ thống giao thông tích hợp, cải cách hệ thống giao thông ở khu vực, cải thiện chất lượng sống, các ngành nghề địa phương thay vì du lịch.

"Đây là tiền đề để xây dựng thành phố “di chuyển ngắn” - một giải pháp bền vững cho phát triển “thành phố đáng sống”. Trong thành phố đó, các khoảng cách ngắn sẽ giúp việc lưu thông ít hơn, có thể đi bộ và xe đạp, dùng ít không gian công cộng và giảm mật độ dân số" - KTS Mochizuki nhận định.

Theo ông Mochizuki, giải pháp dành cho cải thiện giao thông khu vực quận Hoàn Kiếm là phân bổ lại không gian đô thị dành cho các hình thức giao thông khác nhau, trong đó cần triển khai hệ thống giao thông công cộng nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, thông qua việc tăng cường dịch vụ xe buýt, giảm giá xe buýt, mở dịch vụ vé gia đình. Song song với đó là giảm thiểu số lượng bãi đỗ xe trên vỉa hè.

Cho rằng sự thiếu hụt phương tiện giao thông công cộng làm bùng nổ lượng phương tiện cá nhân, trong đó lưu thông ô tô chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, chiếm dụng không gian đô thị…, nhất là ở trung tâm TP,  ông Shinichi Mochizuki gợi ý kiểm soát, giảm thiểu sở hữu ô tô, hạn chế lưu thông không cần thiết… bằng cách phí đường bộ, kiểm soát biển số xe, áp dụng phí đỗ xe theo vùng, kiểm soát số lượng xe ra vào; kiểm soát đỗ xe trên phố, phân bổ không gian phù hợp cho bãi đỗ xe công cộng; phát triển mạng lưới đường đi bộ, không gian công cộng, cải thiện đường dành cho xe đạp.

Đặc biệt, KTS.Shinichi Mochizuki đề xuất xây dựng đường riêng cho xe đạp tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm. 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc