"Hồ Gươm không cần bất cứ một biểu tượng nhân tạo nào"

06:43, 31/03/2017
|

(VnMedia) - "Hồ Gươm trở nên mê hoặc chính là nó rất gần gũi, chứ không phải nhờ những bức tượng khổng lồ; Hồ Gươm không cần bất cứ một biểu tượng nhân tạo nào"… là chia sẻ của các chuyên gia về ý tưởng đặt tượng rùa.

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp nhận được đề xuất về việc đặt những “vật thể” khổng lồ ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, những đề xuất được cho là hết sức táo bạo nhằm "cải thiện" hình ảnh cho khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Đầu tiên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đề xuất UBND Thành phố Hà Nội dựng mô hình 3D King Kong tại một địa điểm nổi bật bên hồ. Khu vực Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, gần Đền Bà Kiệu, đã được đề xuất như là một địa điểm thích hợp. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mô hình này sẽ là một tâm điểm làm nền cho những bức ảnh của người dân, từ đó giúp quảng bá cho hình ảnh Việt Nam qua bộ phim Kong - Đảo đầu lâu.

Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong dư luận cũng như từ các chuyên gia về thiết kế đô thị, lịch sử. Sau đó, đề xuất đã được bác bỏ vì "không phù hợp".

Ấy vậy mà cùng trong tháng 3 này, một đề xuất mới đã được đệ trình là dựng một bức tượng rùa Hồ Hoàn Kiếm khổng lồ bằng đồng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và nặng hơn sáu tấn. "Hiện Việt Nam đang thiếu một biểu tượng", ông Tạ Hồng Quân, tác giả của sáng kiến này nói.

"Nếu bạn ở Singapore, bạn sẽ thấy tượng Merlion; Pháp có Tháp Eiffel và Mỹ có Tượng Nữ thần Tự do", ông Quân nói thêm và cho rằng, không giống như King Kong, "hình ảnh con rùa được gắn sâu vào văn hoá và đời sống tinh thần của người Việt Nam". Điều đáng nói, đề xuất này nhận được sự ủng hộ của GS Sử học Dương Trung Quốc và “nhà rùa học” Hà Đình Đức.

Tượng rùa vàng

Tượng rùa vàng được đề xuất đặt ở Hồ Gươm được PGS Tạ Thúy Loan cho là ý tưởng thô vụng và ấu trí

Tuy nhiên, nhận xét về hai vụ việc, ông Martin Rama, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, người từng có nhiều năm sống và làm việc tại Hà Nội, người đã viết cuốn “Hà Nội một chốn rong chơi”, trong đó gọi Hà Nội là “nàng” cho rằng, cả Kinh Kong và tượng rùa khổng lồ đều là những sinh vật gây hấn theo cách riêng của chúng và không phù hợp để đặt ở Hồ Gươm.

“Điều làm cho Hồ Hoàn Kiếm trở nên mê hoặc chính là bởi nó rất gần gũi. Đây là nơi mà các cặp đôi ngồi ôm ấp nhau, những phụ nữ tập thể dục, các ông bà già khiêu vũ, trẻ em nô đùa. Liệu những tượng đài khổng lồ có thực sự làm cho Hồ Gươm đẹp hơn?” - ông Martin Rama tinh tế nói.

Hồ Gươm

Điều làm cho Hồ Hoàn Kiếm trở nên mê hoặc chính là bởi nó rất gần gũi - ảnh: Lâm Phúc

Trong cuốn “Hà Nội một chốn rong chơi, ông Martin Rama từng tiếc nuối khi "những đài phun nước trước đây là nơi người ta hít thở không khí dịu mát trong những ngày hè oi bức, giờ đã bị thay thế bằng những tượng đài khổng lồ…”

Martin Rama cũng nhớ lại, "Hồ Hoàn Kiếm không phải là khu vực duyên dáng duy nhất bị đe doạ bởi những ý tưởng tồi. Vào năm 2007, Thành phố này thậm chí đã chấp nhận một kế hoạch cho một "Disneyland nhỏ" tại Công viên Thống nhất, bao gồm một bãi đậu xe ngầm tầng 5, khu mua sắm, nhà hát 3 chiều và câu lạc bộ đêm!"

Về việc ứng xử với những đề xuất "lạ" gần đây, ông Martin Rama nhận xét, “Đề xuất dựng mô hình King Kong đã bị UBND Hà Nội bác bỏ một cách khôn ngoan” và “Hãy hy vọng rằng tượng rùa cũng sẽ có số phận tương tự!”

Trao đổi với VnMedia, PGS, TS, KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, bà rất đồng cảm với ý kiến của ông Martin Rama. “Ông ấy đã viết đúng những gì mà tôi muốn nói” - TS Thúy Loan chia sẻ.

Theo KTS Phạm Thúy Loan, Hồ Gươm chứa nhiều tầng giá trị và rất tinh tế. “Giá trị của nó là hữu hình mà lại vô hình và có bề dầy thời gian. Những yếu tố vật thể ở đó đều tồn tại do tự nhiên và do lịch sử. Từng cái cây đều có giá trị hình ảnh và biểu tượng thực sự. Hồ Gươm không cần bất cứ một biểu tượng nhân tạo nào” - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia nhấn mạnh. 

Hồ Gươm
Những yếu tố vật thể ở Hồ Gươm đều tồn tại do tự nhiên và do lịch sử. Từng cái cây đều có giá trị hình ảnh và biểu tượng thực sự - ảnh: Internet

Khẳng định một lần nữa rằng “Kong đã bị loại bỏ rồi, tượng rùa cũng sẽ không cần”, PGS Phạm Thúy Loan cho rằng, “Giống như khi chúng ta nói "con rồng cháu tiên" là ta tôn vinh cái cốt lõi chứ không cần mặc trang phục rồng tiên đi làm, Hồ Gươm cũng không cần hình con rùa.

“Tại sao lại phải la lên “tôi là Rùa đây” khi ai cũng hiểu ý nghĩa sâu xa của nó? Ý tưởng dựng tượng rùa rất phô, thô vụng và ấu trĩ. Đó là những ngôn ngữ hình tượng kiểu tả thực khô cứng trong khi ý nghĩa và giá trị thật thường vượt ra ngoài khả năng của hình tượng” - KTS Phạm Thúy Loan giải thích.

Nói thêm về những cách trang trí bên Hồ Gươm như hình con gà được dựng trong dịp Tết vừa qua, PGS Phạm Thúy Loan cho rằng, việc đề trong một thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của một số người dân cũng có thể tạm chấp nhận được, nhưng nếu để lâu dài thì sẽ là “thảm họa.”

Trước đó, Hà Nội cũng nhận được đề xuất làm "đại lộ danh vọng" bên Hồ Gươm. Đề xuất này cũng nhanh chóng bị dư luận phản ứng và sau đó đã bị bác bỏ.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc