Liên thông dữ liệu y tế: Vẫn còn tình trạng "tắc đường"

14:35, 16/03/2017
|

(VnMedia) - Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế với cổng thông tin của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam dù đem lại thuận lợi cho các cơ sở y tế, người bệnh, song vẫn còn đó tình trạng “tắc đường” khiến việc gửi, truyền dữ liệu của các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn.

Liên thông dữ liệu y tế vẫn còn tình trạng

Liên thông dữ liệu y tế vẫn còn tình trạng "tắc đường" - ảnh minh họa

Ngày 16/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực truyến Triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu y tế trên cổng thông tin của Bảo hiểm Xã hội Việt nam trên toàn quốc đạt 94%, các cơ sở chưa kết nối liên thông dữ liệu chủ yếu là do chưa có lưới điện hoặc chưa được phủ sóng internet, trong đó có một số tỉnh thấp như Thanh Hóa 69%, Bắc Ninh 81%, Hải Phòng 80%.

Tại Hội nghị, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan bảo hiểm, giảm trục lợi quỹ BHYT. Đó là bởi mọi thông tin đều minh bạch, rõ ràng, nếu cơ sở y tế nào lạm dụng, hệ thống sẽ hiển thị.

Đồng thời, theo ông Tuấn, với cơ sở y tế việc kết nối liên thông dữ liệu lên cổng thông tin của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc thanh toán và giám định BHYT. Với người dân, việc này cũng giúp cho công tác khám chữa bệnh được thuận tiện, rút ngắn thời gian chờ đợi.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Kế hoạch số 266/KH-BYT ngày 10/3/2017 của Bộ Y tế về Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT năm 2017, trước ngày 30/6, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến trung ương liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT.

Cùng với đó, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo thực hiện gửi dữ liệu điện tử thường xuyên, liên tục phục vụ giám định điện tử trước ngày 31/8/2017.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tuấn, để thực hiện mục tiêu này, các cơ sở y tế cần phải đồng lòng, cố gắng rất nhiều bởi hiện với hơn 17.000 danh mục kỹ thuật y tế, khoảng 20.000 danh mục thuốc cùng hàng nghìn loại vật tư tiêu hao thì việc áp dụng danh mục dùng chung đồng nhất giữa các cơ sở y tế làm cơ sở để kết nối liên thông dữ liệu trên cả nước thực sự cấp bách, nhưng hiện nay vẫn còn khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Y tế lấy dẫn chứng thực tế, đó là chỉ cùng một việc là sản phụ đến cơ sở y tế sinh con, miền Bắc, nhân viên y tế gọi là đẻ nhưng miền Nam lại gọi lại “sanh”, nếu khi đẩy lên hệ thống cổng thông tin của Bảo hiểm thì đương nhiên không được chấp nhận do chưa trùng khớp về danh mục.

Đồng quan điểm, ông Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, với hàng ngàn danh mục kỹ thuật y tế, thuốc, vật tư y tế, việc ban hành mã dùng chung của các cơ sở y tế để thống nhất mã của các cơ sở y tế trên toàn quốc là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Lâm, thực tế cho thấy nhiều mã dùng chung của thuốc và vật tư tiêu hao vẫn chưa phủ hết, vẫn còn tồn nhiều danh mục thuốc, vật tư y tế cũ chưa được đăng ký mã mới, do vậy khi cơ sở y tế đẩy lên cổng của Bảo hiểm Xã hội đều bị trả lại vì không có mã dùng chung.

Bên cạnh đó, theo Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hiện nay hệ thống cổng thông tin của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa có chế độ báo lỗi, do vậy khi cơ sở y tế gửi thông tin lên hệ thống bị trả lại nhưng cơ sở không được biết lỗi ở phần nào, điểm nào để chỉnh sửa kịp thời, vậy nên cơ sở phải đẩy đi đẩy lại nhiều lần, mà nhiều cơ sở gặp tình trạng này thì hệ thống sẽ quá tải, tình trạng “tắc đường” trên cổng thông tin quốc gia sẽ diễn ra.

Ý kiến của đại diện Sở Y tế Hà Tĩnh kiến nghị hiện do danh mục dùng chung giữa các cơ sở y tế chưa quy chuẩn, chưa rút gọn với hàng nghìn mã quá tiểu tiết gây khó cho cơ sở y tế, do vậy vị này cho rằng Bộ Y tế nên ban hành chuần danh mục danh chung, rút gọn danh mục lại, chẳng hạn như với siêm âm, chỉ cần quy định một mã, chụp X- quang cần 1 mã thay vì có hàng trăm mã như hiện nay, tạo điều kiện cho cơ sở y tế đẩy thông tin lên cổng thông tin được dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc