Dịch sởi 2014: Nhìn lại từ cái chết đau xót của 100 trẻ nhỏ

06:15, 19/04/2017
|

(VnMedia) - Nhìn lại bài học đau xót từ cái chết của hơn 100 trẻ trong dịch sởi năm 2014 để thấy, việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là vô cùng quan trọng.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh, do Bộ Y tế tổ chức ngày 18/4.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các nước phát triển có khoảng 5-10% người bệnh nằm viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Hằng năm thế giới có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90.000 người tử vong và chi phí y tế tăng thêm 4,5 tỷ USD.

Tại Việt Nam, bài học đau xót về nhiễm khuẩn bệnh viện gần đây nhất chính là vụ dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác do công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt.

Theo nhiều chuyên gia y tế, hơn 100 trẻ có lẽ sẽ không tử vong tức tưởi nếu người dân không đổ xô lên tuyến trung ương khám bệnh, dẫn tới số lượng người trong các bệnh viện quá đông và nếu cơ sở y tế làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Còn theo ông Hoàng Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế trên gần 10.000 bệnh nhân của 10 bệnh viện cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm tới 55,4%.

Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khảo sát trên khoảng gần 4.000 bệnh nhân của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện trên cả nước cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%; các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn bệnh viện tuyến cơ sở.

Dịch sởi

Dịch sởi năm 2014 đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 trẻ, trong đó có phần nguyên nhân từ nhiễm khuẩn lây chéo trong bệnh viện

Mặc dù nhiễm khuẩn bệnh viện nguy hiểm như vậy nhưng hiện nay, có rất ít những đánh giá về thực trạng hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, tổ chức thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Để hoạt động giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện đạt hiệu quả, thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo, hỗ trợ 6 bệnh viện ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam (gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và BV Nhi đồng 1) hoàn thiện mô hình mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rửa tay là biện pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất đề phòng bệnh vì tác nhân gây bệnh từ bệnh nhân, môi trường y tế có thể lan truyền qua bàn tay từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại. Từ đó vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bên cạnh đó theo WHO, kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... cần được các nhân viên y tế Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật. Các dụng cụ, đồ dùng trong bệnh viện (quần áo, giường tủ...) và chất thải của bệnh nhân cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp thích hợp, đối với các dụng cụ y tế dùng lại phải bảo đảm xử lý vệ sinh theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc