Nhân rộng mô hình ngân hàng sữa mẹ trên cả nước

12:11, 13/04/2017
|

(VnMedia) - Để có được sữa mẹ hiến tặng, đội ngũ y bác sĩ và người hiến tặng phải làm việc vất vả qua nhiều công đoạn từ tổ chức vận động, sàng lọc sức khỏe, vắt và trữ sữa, thanh trùng, xét nghiệm, lưu trữ và phân phối

Hôm nay (13/4), các chuyên gia quốc tế và trong nước về nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc sơ sinh và vận hành ngân hàng sữa mẹ đã hội tụ ở Đà Nẵng để tìm hiểu về ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Ngân hàng sữa mẹ này được Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế trực tiếp chỉ đạo và hỗ trợ, với sự đóng góp đáng kể về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính từ Thành phố và Sở Y tế Đà Nẵng, và hỗ trợ kỹ thuật của hai tổ chức phi chính phủ PATH và FHI 360 (thông qua dự án Alive & Thrive), với nguồn tài trợ từ quỹ Margaret A. Cargill Philanthropies và Bill & Melinda Gates.

Tham gia hội thảo có lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, chức năng của của Bộ Y tế, Sở Y tế Đà Nẵng, đại diện quỹ Bill & Melinda Gates, các cơ quan liên quan và các tổ chức quốc tế khác.

Nhận thấy tầm quan trọng của ngân hàng sữa mẹ trong công tác chăm sóc sơ sinh, đại diện các bệnh viện Phụ sản, Sản - Nhi từ trung ương và các thành phố lớn cũng tham gia hội thảo để học hỏi kinh nghiệm trong việc thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ.

Tại hội thảo, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã chia sẻ những thành công và những khó khăn, thách thức với vai trò là cơ sở y tế đầu tiên trong toàn quốc thí điểm mô hình ngân hàng sữa mẹ, tầm quan trọng của chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm trong việc đảm bảo nguồn sữa hiến tặng đáp ứng đủ nhu cầu cho nhóm trẻ có nguy cơ cao.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế chia sẻ khả năng nhân rộng mô hình cũng như hình thành mạng lưới các ngân hàng sữa mẹ trong nước và khu vực, bao gồm một diễn đàn khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau giữa các ngân hàng sữa mẹ đang hoạt động ở các nước ASEAN khác như Myanmar, Philippines và Thailand.

Từ 2015, Sở Y tế TP Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cùng với PATH và Alive & Thrive đã xác định tầm quan trọng của ngân hàng sữa mẹ trong việc mang lại cơ hội phát triển và tăng trưởng tối ưu cho nhóm trẻ có nguy cơ cao. Với sự hợp tác của các bên, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức hoạt động vào tháng 2 năm 2017. 

Đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện cũng được tập huấn để hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ nhằm đảm bảo mọi trẻ sơ sinh đều nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Trong hai tháng đầu, 46 người mẹ đã hiến sữa sau khi đạt sàng lọc khắt khe về vệ sinh và an toàn. 136 trẻ có nguy cơ đã được nhận 60 lít sữa hiến tặng từ ngân hàng sữa mẹ.

Ngân hàng sữa mẹ - ảnh minh họa
Ngân hàng sữa mẹ - ảnh minh họa

Các nghiên cứu cho thấy trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong trẻ nhỏ, sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn của trẻ (tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn ở mức 22‰ theo số liệu Điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2015).

Sữa mẹ chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu mà trẻ sơ sinh cần để hình thành nên hệ miễn dịch khỏe mạnh, đồng thời là thức ăn tốt nhất và dễ hấp thụ nhất của trẻ. Dù tất cả trẻ em đều có thể nhận được các lợi ích từ sữa mẹ, song không phải mọi bà mẹ đều có thể cho con bú trực tiếp; có thể là do bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng tới sữa mẹ.

Đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị sử dụng sữa mẹ hiến tặng như là một sự thay thế tốt nhất.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế nhận xét “Việc thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng đã mang lại cơ hội tuyệt vời cho việc cứu sống các trẻ em có nguy cơ tử vong cao của Thành phố. Chúng tôi hy vọng những bài học kinh nghiệm từ ngân hàng thí điểm này sẽ được áp dụng cho các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam."

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho rằng: “Để có được sữa mẹ hiến tặng, đội ngũ y bác sĩ và người hiến tặng phải làm việc vất vả qua nhiều công đoạn từ tổ chức vận động, sàng lọc sức khỏe, vắt và trữ sữa, thanh trùng, xét nghiệm, lưu trữ và phân phối.

Ngân hàng sữa mẹ không phải đơn thuần chỉ là nơi cho và nhận sữa mẹ để cứu giúp những đứa trẻ non yếu mà còn mang sứ mệnh thúc đẩy toàn xã hội nhận thức tầm quan trọng và đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Đà Nẵng cũng như ở Việt Nam cần phải liên tục được nâng cao để xứng với tầm quan trọng của sữa mẹ”.

Bà Mona Byrkit, Giám đốc vùng Mekong của tổ chức PATH cũng trao đổi những thành quả ban đầu của ngân hàng sữa mẹ Việt Nam: “Thật đáng mừng khi thấy 136 trẻ được hưởng lợi từ ngân hàng sữa mẹ trong vòng 2 tháng và chứng kiến việc nuôi con bằng sữa mẹ đang là một phần thực hành quan trọng trong chăm sóc tại bệnh viện. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngân hàng sữa mẹ và mong được thấy những cải thiện trong dinh dưỡng trẻ nhỏ ở Việt Nam”.

Ông Roger Mathisen, Giám đốc Alive & Thrive Đông Nam Á ghi nhận một trong những bài học chính rút ra, “Một trong những yếu tố chính, đó là ngân hàng sữa mẹ không thể vận hành một mình, mà cần được tích hợp vào công tác chăm sóc sơ sinh. Ngân hàng sữa mẹ kết nối chăm sóc sơ sinh và nuôi con bằng sữa mẹ, kết nối trẻ có nguy cơ cao với nguồn sữa hiến tặng. Một cách tiếp cận tích hợp giúp kết nối chăm sóc sơ sinh, ngân hàng sữa mẹ, và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ chính là yếu tố then chốt để có thể thành công”.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc