Thịt lợn quá rẻ: Bộ Nông nghiệp cầu cứu Thủ tướng

06:12, 20/04/2017
|

(VnMedia) - Giá lợn càng rẻ, người tiêu dùng càng được ăn lợn sạch vì người chăn nuôi không có tiền mua cám, có gì cho ăn nấy. Trong khi người tiêu thụ được lợi thì nông dân lại khóc dở mếu dở khiến Bộ NN&PTNT phải cầu cứu đến Thủ tướng.

Những ngày này, tại Hà Nội, các bà nội trợ đang vui mừng vì mua được thịt lợn với giá khá “mềm”. Nhưng điều nhiều người mừng hơn, đó là giá lợn càng rẻ, càng được ăn lợn sạch. Đó là một nghịch lý, nhưng lại là sự thật.

Chị Liên, một người bán thịt lợn ở chợ Ngọc Khánh cho biết, khoảng vài tháng trở lại đây, do giá thịt lợn quá rẻ, nhiều người chăn nuôi lợn đã không còn bỏ tiền mua cám. “Mặc dù thịt lợn bán lẻ không rẻ nhiều, nhưng, nhưng thịt lợn bây giờ toàn lợn sạch thôi, vì từ hai tháng nay, giá thịt rẻ quá, người ta không mua cám cho lợn ăn mà có gì cho ăn nấy.” - chị Liên cho biết.

Tuy nhiên, trong khi người tiêu dùng được hưởng lợi thì người chăn nuôi lợn lại đang điêu đứng mà chưa có lối thoát.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ thời điểm trước Tết Nguyên đán năm 2017 đến nay, giá lợn hơi xuất bán tại chuồng liên tục giảm mạnh. Thậm chí, thời điểm hiện tại, giá lợn hơi tại một số tỉnh ở phía Bắc xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, chỉ còn ở mức 22.000-25.000 đồng/kg.

Hệ quả là người chăn nuôi thua lỗ nặng, có những hộ chăn nuôi lớn còn lỗ tới vài tỷ đồng do giá lợn giảm và không có người mua. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng và các chuyên gia nhận định là do phía Trung Quốc hạn chế nhập lợn của Việt Nam qua đường tiểu ngạch dẫn đến lợn bị tồn ứ. Trong khi đó, chăn nuôi lợn hiện chiếm tỷ trọng đến 70% của toàn ngành chăn nuôi.

thịt lợn

Thịt lợn càng rẻ, nông dân thì "méo mặt", còn người tiêu dùng thì được ăn lợn sạch - ảnh minh họa

Cầu cứu Thủ tướng

Nhằm từng bước ổn định và phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng và tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội… tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong các tháng mùa hè sắp tới.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phụ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, nguy cơ thực phẩm bẩn quay trở lại thị trường nội địa và gây xuống cấp hạ tầng giao thông do khối lượng lớn với gần 3 triệu tấn các container hàng khổ lớn quá cảnh qua Việt Nam mỗi năm.

Trước mắt, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Ngoại giao đẩy nhanh các biện phảp đàm phán tìm thị trường cho sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.

Còn vê lâu dài, theo Bộ NN&PTNT, cần triển khai các biện pháp tổng thế, trong đó có giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có tiềm năng.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát điều chỉnh hạn chế mở rộng các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái.

Điều hết sức quan trọng, là cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc