Nguy cơ vỡ đập chính Hồ Núi Cốc: Lắp 2 camera trên thân đập

12:27, 25/06/2017
|

Lực lượng chức năng đã bố trí cán bộ ứng trực, theo dõi suốt ngày đêm, lắp đặt 2 camera giám sát diễn biến trên thân đập của Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), đồng thời có phương án ứng phó nếu mưa với lưu lượng lớn đổ về lưu vực lòng hồ.

Ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT) cho biết, sự cố đập chính công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) bị thấm nước, tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn có thể khắc phục được.
 
Bộ NN&PTNT đã có hỗ trợ về mặt tư vấn kỹ thuật để đưa ra giải pháp xử lý triệt để và an toàn bảo đảm bền vững công trình.
 
Tổng cục Thủy lợi và một số chuyên gia cùng tham gia với đơn vị tư vấn, hiện nay đã hoàn chỉnh giải pháp sửa chữa.
 
Ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên thông tin, công ty đã hoàn tất việc khoan thăm dò theo dõi mực nước thấm tại 5 điểm cắt trên thân đập.
 
Đồng thời đơn vị này cũng chủ động đưa ra các biện pháp khắc phục trước mắt như: khoan tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập, làm lại hệ thống tiêu thoát nước thân đập, sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước mặt mái hạ lưu đập, mái hạ lưu những vị trí bị hư hỏng, khôi phục thiết bị quan trắc thấm và bổ sung thiết bị đo mưa…
 
Cắt cử cán bộ ứng trực, theo dõi suốt ngày đêm, lắp đặt 2 camera giám sát diễn biến trên thân đập, đồng thời có phương án ứng phó nếu mưa với lưu lượng lớn về lưu vực lòng hồ.
Ông Thịnh chỉ mực nước hồ mới chỉ đạt khoảng 42% công suất thiết kế.
Ông Thịnh chỉ mực nước hồ mới chỉ đạt khoảng 42% công suất thiết kế.
Cũng theo ông Thịnh, công ty đã khẩn trương lên phương án để quản lý vận hành đảm bảo an toàn đập. Đã thành lập tổ công tác thường xuyên quan trắc các thông số kỹ thuật toàn bộ khu vực lòng hồ. Quan trắc mưa ở khu vực Đại Từ, Định Hóa, từ những số liệu thu thập tập hợp về công ty để đưa ra nhận định mức nước đến hồ, trên cơ sở này đưa ra phương án vận hành, không để mực nước dâng lên quá cao, để ngập lụt ở thượng lưu cũng như đột ngột phải xả xuống hạ du.
 
Liên quan đến nội dung trên, ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Nguyên tắc của phòng chống thiên tai là "phòng là chính".
 
Ông Hải cho biết thêm, căn cứ vào hiện tượng phát hiện ra và đánh giá khả năng có chiều hướng nguy hiểm và theo quy định UBND tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm triển khai những nội dung và tinh thần tới rộng rãi các cấp chính quyền địa phương và người dân để có phương án ứng phó với những tình huống xấu.
 
Theo tính toán, việc xử lý sự cố thấm thân đập công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/2017. Được biết, sự cố thấm nước thân đập này đã từng xảy ra trước đó vào năm 2014.
 
Theo kiểm tra, khảo sát của cơ quan chuyên môn đã phát hiện đập chính của Hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm vai đập phía bờ hữu từ cao trình +45m đến +46m. Một số vị trí thấm ở khu vực giữa mái hạ lưu đập với cao trình +38m, rộng khoảng 150m2.
 
Tại cao trình từ +42m đến +44m bờ tả có hiện tượng thấm nhiều. Rãnh thoát nước hạ lưu đập bị gãy đổ dài 200m làm tụt tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8m. Mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ.
 
Chính vì vậy, Hồ Núi Cốc đang đứng trước nguy cơ vỡ đập chính rất cao, nhất thời điểm mùa mưa lũ đang đến gần. UBND tỉnh Thái Nguyên đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và khẩn trương tìm cách khắc phục.
 
Theo dantri.com.vn

Ý kiến bạn đọc