Cải tạo hồ Hoàn Kiếm: Phải làm tổng thể như với một cơ thể sống!

07:51, 09/07/2017
|

(VnMedia) - Cải tạo hồ Hoàn Kiếm không chỉ là nạo vét bùn và quan tâm đến chất lượng nước. Cần phải có một kế hoạch tổng thể từ nước, đáy hồ, bờ hồ, hệ sinh thái… để trả lại một hồ Hoàn Kiếm quý giá như xưa...

Cải tạo hồ
Một số hình ảnh thử nghiệm cải tạo tại hồ Giáp Bát trước khi đưa về thực hiện tại Hồ Gươm

Ngày 7/7, tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội đã tổ chức buổi tham vấn cộng đồng về phương án cải tạo hồ Hoàn Kiếm hạng mục nạo vét lòng hồ.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội (đơn vị tư vấn cho việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), hồ Hoàn Kiếm rộng 12 ha, hiện nay nước hồ đang trong tình trạng mất khả năng làm sạch, nước bị ô nhiễm. 

Đặc biệt, lớp bùn lắng đọng của đáy hồ ngày một dày, gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật tại đây do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc. Ngoài ra, mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ôxy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vật trong hồ từ nhiều năm nay.

Một điều mà hầu hết mọi người đều quan tâm là màu nước của hồ Hoàn Kiếm hiện nay đang thay đổi. Giải thích cho điều này, bà Hương cho biết, hiện nay, tại hồ, có tới 93% mật độ tảo trong hồ là tảo lam, còn tảo lục – loại tảo tạo ra màu nước đặc trưng của Hồ Gươm chỉ còn 5%. Điều này lý giải vì sao nước hồ hiện có màu lam chứ không phải  màu lục.

“Hồ hoàn kiếm chắc chắn sẽ phải cải tạo để có môi trường tốt hơn, nguyên nhân cơ bản là lớp trầm tích đáy dày và nhiều thành phần độc hại, phức tạp. Phải cải tạo loại bỏ lớp trầm tích lưu cữu, bảo vệ sinh vật thuỷ sinh trong hồ, giữ cho vẻ đẹp của hồ như mong muốn” - bà Hương nhấn mạnh.

Theo phương án nạo vét hồ được trình bày tại buổi tham vấn ý kiến cộng đồng, mục tiêu của việc cải tạo lần này là loại bỏ lớp trầm tích lưu cữu nhiều năm, làm tiền đề cho việc cải thiện chất lượng môi trường nước và bảo tồn hệ thủy sinh.

Với mục tiêu này, đơn vị tư vấn đưa ra phương án nạo vét bùn bằng thiết bị cơ giới ở hầu hết phần diện tích hồ, chỉ một phần nhỏ xung quanh bờ kè hồ, bờ kè tháp Rùa… sẽ được làm thủ công. Công việc dự kiến sẽ thực hiện trong khoảng hơn 4 tháng theo trình tự: bước 1: Thực hiện các công tác chuẩn bị; Bước 2: Xác định và định vị khu vực nạo vét, khu vực và phạm vi đổ vật liệu nạo vét trước khi tiến hành nạo vét; Bước 3: Dùng lưới quây dồn hệ thủy sinh vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công và Bước 4: Tiến hành nạo vét theo biện pháp thi công lần lượt từng khu vực.

Cũng theo đơn vị tư vấn thì việc nạo vét hồ sẽ phải được thực hiện khoảng 3-5 năm/lần.

Cần phải làm tổng thể cho xứng tầm

Tham dự và cho ý kiến tại buổi tham vấn, hầu hết các ý kiến đều đồng ý với việc cần tiến hành cảo tạo hồ Hoàn Kiếm, nhưng phải hết sức cẩn trọng. Đặc biệt, cần phải lên phương án tổng thể để cải tạo cả chất lượng nước, đáy hồ, bờ hồ kết hợp cải tạo cảnh quan xung quanh để đưa hồ Hoàn Kiếm trở lại đúng với giá trị vốn có của nó.

bà Nguyễn Ngọc Lý

Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng, hồ Hoàn Kiếm là một cơ thể sống, không thể tách riêng việc cải tạo nước, đáy, hay bờ mà phải làm tổng thể.

“Tôi lo ngại chúng ta đang tập trung vào việc ảnh hưởng khi nạo vét chứ không tập trung vào việc hồ sau khi cải tạo sẽ như thế nào. Nạo vét thì tốn kém vô biên còn những cái khác không có vấn đề gì nhiều, tại sao không làm tổng thể?” – bà Lý đặt vấn đề.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cũng lưu ý, hiện nay đa dạng sinh học của hồ “cực kỳ kém”, vì vậy, phải tính đến chuyện sau cải tạo chất lượng nước phải gây dựng lại hệ đa dạng sinh học như thế nào để hồ giống như ngày xưa.

“Hồ Gươm ngày nay rất nhiều loại sinh vật ngoại lai, đặc biệt là thái độ của người dân đối với hồ không tốt khi thả vào đây cả lươn ốc ếch…, rất nguy hiểm. Cần tạo ra hệ đa dạng sinh học cho xứng đáng với hồ” – bà Lý nói và cho rằng, chỉ nên lựa chọn một số loài và kiểm soát nghiêm ngặt số lượng cũng như số loài động vật sống trong hồ này.

“Quận Hoàn Kiếm phải ra quy định thật chặt chẽ để người dân dù thích thả cá lắm cũng không được thả. Hồ chỉ nên có vài loại cá đặc trưng thì mới sạch, chứ tôi từng chứng kiến có gia đình mang cả tải cua lươn ốc… đến thả, rất kinh khủng” – bà Lý nói.

Đặc biệt đáng chú ý là phương án bù nước. Theo đơn vị tư vấn, môi trường nước hồ Hoàn Kiếm sau khi nạo vét bùn, cần tính toán và xây dựng kế hoạch bổ cập nước sạch nhằm tăng dung tích chứa, tạo chất lượng nước ổn định và điều kiện sống phù hợp đối với hệ động thực vật thủy sinh. Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất dùng nguồn nước bổ cập thường xuyên cho hồ được lấy từ giếng khoan, khai thác tại chỗ nguồn nước ngầm ở khu vực lân cận vì đảm bảo được sự tương đồng – gần giống chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm, giúp nước hồ được lưu thông, không gây ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh trong hồ.

“Hiện nay, Thành phố đã giao cho Công ty thoát nước Hà Nội thực hiện khai thác nước từ giếng khoan bố trí tại khu vực giáp phố Hàng Khay cạnh hồ Hoàn Kiếm và xử lý bằng công nghệ lọc của CHLB Đức đảm bảo chất lượng phù hợp với nước hồ Hoàn Kiếm. Hệ thống được đặt ngầm đảm bảo mỹ quan khu vực” – Đại diện đơn vị tư vấn cho biết.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngọc Lý cho rằng, hồ Hoàn Kiếm là hồ tự nhiên, hồ tù, vì vậy, lượng nước mưa sẽ đảm bảo bù đủ cho nước hồ mà không cần bơm nước bên ngoài vào. “Không thể lấy nước ngầm ở bên cạnh bơm vào hồ. Không cần nghĩ đến chuyện tiếp nước vào hồ vì chuyện này không hề ổn” – bà Lý chia sẻ quan điểm.

“Nên cân đối để hồ trở lại thiên nhiên và điều này tự nó làm được” – bà Lý nói và nhấn mạnh một lần nữa: “Không nên chỉ nạo vét mà cần khôi phục hồ toàn diện để đưa về như trước đây”.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cũng lưu ý, cần tránh việc đưa hoá chất càng nhiều càng tốt.

Cho ý kiến tại buổi tham vấn, ông Trịnh Đăng Khoa, ở 67 phố Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, ông đã sống ở khu nhà đối diện đền Ngọc Sơn từ nhỏ. Thấy hồ đã vài lần được cải tạo nhưng không lần nào làm đến nơi đến chốn.

“Ngày trước, trẻ con nhảy xuống hồ là bắt được cả tôm, bây giờ hồ bẩn kinh khủng. Nhưng cải tạo dưới lòng hồ, liệu trên bờ hồ có đưa vào đủ mọi loại công trình không?” – ông Khoa e ngại.

Trịnh Đăng Khoa
Ông Trịnh Đăng Khoa

Trong khi đó, giáo sư GS. Mai Đình Yên đặt vấn đề: “Có phải là hồ không còn loại tảo đặc hữu (tảo lục – PV) không?” GS Yên cho rằng, cần xác nhận nguyên nhân và có giải pháp khắc phục bởi nếu hết tảo lục, giá trị của Hồ Gươm sẽ bớt đi.

Sau khi nghe các ý kiến tham vấn, ông Phan Hoài Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện các ý kiến đóng góp, đặc biệt lưu ý vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau khi báo cáo này hoàn thiện sẽ được bảo vệ trước một hội đồng khoa học cấp bộ và Thành phố thẩm định phê duyệt trước khi triển khai. 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc