Giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu: những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

09:19, 08/07/2017
|

Chiều 7.7 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng tại phiên làm việc toàn thể đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra tại TP.Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức.

Đây là hội nghị quan trọng nhất của G20 trong năm 2017, thu hút sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20, các nước khách mời gồm VN, Singapore, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan, Guinea - Chủ tịch Liên minh Châu Phi, Senegal (Chủ tịch Tổ chức Đối tác mới cho phát triển châu Phi) và lãnh đạo các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên Hiệp Quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel

VN tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017 với tư cách là chủ nhà APEC 2017 và là lần thứ 3 VN tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Thúc đẩy tự do, công bằng, bền vững

Trước đó, tối 6.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel. Tại hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng Angela Merkel khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức tăng cường đầu tư vào VN trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đường sắt, hạ tầng du lịch, cảng biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, sản xuất và lắp ráp ô tô... Người đứng đầu Chính phủ VN khẳng định sẽ tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Đức hoạt động lâu dài tại VN, đồng thời sẵn sàng đối thoại với phía Đức giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư Đức còn tồn đọng tại VN.

 

 

 

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ châu Phi, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ...

Phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh VN là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định VN sẽ nỗ lực hoàn thành sớm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG-2030) của Liên Hiệp Quốc, trong đó ưu tiên cho các vấn đề giảm nghèo, bất bình đẳng, giáo dục, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu; đã và đang lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế... Với vai trò nước chủ nhà APEC 2017, VN đã thúc đẩy những chủ đề ưu tiên trong nghị sự APEC 2017 là phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; đang phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng về phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính.

Nâng cao trách nhiệm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh G20 đã nhất trí cam kết nỗ lực bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả và trách nhiệm tài nguyên nước, đồng thời đề nghị G20 và cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm, ý thức tự cường, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và phối hợp hành động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Tại các phiên thảo luận trong ngày đầu tiên, hội nghị đánh giá phục hồi kinh tế thế giới đang tiến triển tích cực hơn, song tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn kỳ vọng; khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và bao trùm. Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; cam kết lồng ghép việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 trong các hoạt động của G20; cam kết giảm khí thải thông qua tăng cường nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng... Hội nghị đã ghi nhận việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh các nước thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris, trong đó có cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước khi tham dự phiên làm việc đầu tiên của G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Thủ hiến kiêm Thị trưởng bang Hamburg, ông Olaf Scholz. Hamburg là nơi có hệ thống cảng biển lớn thứ hai châu Âu, thứ ba thế giới và là nơi trung chuyển của khoảng 145 triệu tấn hàng hóa của trên 100 quốc gia mỗi năm, là một cửa ngõ chủ chốt của luồng hàng hóa từ VN vào Đức và châu Âu. Vài năm trở lại đây, lượng container giữa VN và cảng Hamburg đã tăng gần 50%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định VN sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Hamburg trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, dịch vụ hậu cần, vận tải, cảng biển, đồng thời đề nghị thành phố tăng cường hợp tác với các thành phố cảng của VN như Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM.

Giữa hai phiên họp trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

 

(theo Thanh Niên)


Ý kiến bạn đọc