Biết những điều này, sốt xuất huyết sẽ không tìm đến bạn

06:48, 05/08/2017
|

(VnMedia) - Sốt xuất huyết đang lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, với gần 60.000 người mắc và 17 trường hợp tử vong. Nhưng có rất nhiều điều mà mọi người tưởng như đã biết rõ thì thực ra là chưa biết hoặc biết nhưng... không đúng.

Sốt xuất huyết đang lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, với gần 60.000 người mắc và 17 trường hợp tử vong, trong đó có 4 trường hợp ở Hà Nội. Diễn biến này khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, hiểu biết về cách phòng bệnh, cơ chế lây bệnh, biểu hiện bệnh, cách chữa trị… thì không phải ai cũng biết tường tận, thậm chí còn có sự nhầm lẫn dẫn đến cách phòng và trị bệnh sai lầm, gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và gia đình cũng như khiến cho dịch bệnh khó được kiểm soát.

Vậy những nhầm lẫn nào chúng ta thường hay gặp phải, những câu hỏi nào chưa có giải đáp và sự thật về loại dịch bệnh hiện đang chưa có thuốc đặc trị này?  

Lầm tưởng

Sự thật

Muỗi nào cũng có thể truyền bệnh sốt xuất huyết

Chỉ muối cái Aedes (muỗi vằn) mới có thể truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn sống và sinh sản ở chỗ bẩn

Sống và sinh sản ở nước sạch, dù chỉ là một cái lá đọng nước hay nước lọ hoa, các vỏ lọ có đọng nước mưa, nước ở bồn cầu phòng lâu không có người ở…

Muỗi vằn đốt người lành gây ra bệnh

Muỗi vằn truyền virus từ người bệnh sang người lành thông qua vết đốt

Muỗi đốt người vào ban đêm

Muỗi vằn chủ yếu đốt người vào ban ngày

Muỗi vằn đốt người xong sẽ chết ngay

Muỗi vằn mang virus gây bệnh có thể đốt và làm lây truyền bệnh trong thời gian dài (từ 8-10 ngày)

Muỗi vằn tự có virus gây bệnh sốt xuất huyết trong cơ thể muỗi

Muỗi vằn không tự có virus gây bệnh mà khi nó đốt người bị bệnh, virus sẽ từ người bệnh sang muỗi sau đó muỗi đốt người khác thì người này sẽ bị nhiễm virus từ muỗi truyền sang.

Muỗi vằn là ổ chứa virus chính

Người là ổ chứa virus chính

Chỉ cần phun thuốc một lần là diệt được ổ dịch. Nếu sau phun 2-3 ngày mà có muỗi là do thuốc “rởm”, hoặc muỗi đã “kháng thuốc”.

Phun thuốc chỉ diệt “nốc ao” được muỗi vằn trưởng thành. Ổ loăng quăng bọ gậy sẽ lại nở ra muỗi sau 1-2 ngày. Vì vậy biện pháp triệt để và hiệu quả nhất là vệ sinh môi trường diệt bọ gậy: “Không có chỗ cho muỗi đẻ, không có loăng quăng bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết”

Chỉ có 1 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết

Có 4 tuýp virus khác nhau

Virus sốt xuất huyết đã biến đổi gen

Virus chưa biến đổi, vẫn chỉ là 4 loại truyền thống là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Mỗi người chỉ bị sốt xuất huyết 1 lần trong đời

Một người có thể bị sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần trong đời, mỗi lần một do một tuýp virus khác nhau. Lần sau có nguy cơ bị nặng hơn lần trước.

Người bị muỗi mang virus đốt sẽ phát bệnh ngay

Thời gian ủ bệnh 3-6 ngày, có trường hợp 14 ngày.

Biểu hiện của các bệnh nhân SXH là giống nhau

Biểu hiện ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau

Nhiễm virus sốt xuất huyết có biểu hiện rõ ràng

Nhiễm virus dengue thường không có biểu hiện rõ ràng

Chỉ khi bị xuất huyết ngoài da mới nguy hiểm

Đôi khi không có biểu hiện xuất huyết ngoài da mà có thể chảy máu trong dạ dày (biểu hiện phân đen), ở mắt, âm đạo...

Sốt xuất huyết gây mất nước. Bị sốt nên truyền nước ngay

Sốt xuất huyết không gây mất nước. Lúc bệnh mới phát mà truyền nước ngay có thể gây tràn dịch màng phổi dẫn đến tử vong. Nên uống bù nước bằng oresol, nước dừa, nước cam, nước chanh, nước cơm… Việc truyền dịch phải có chỉ định của cán bộ y tế.

Uống thuốc hạ sốt nào cũng được

Chỉ được uống loại thuốc hạ sốt có paracetamol. KHÔNG ĐƯỢC UỐNG aspirin và Ibuprofen, là hai loại thuốc gây xuất huyết.

Hết sốt là bệnh đã thuyên giảm

Khi hết sốt bệnh nhân vẫn có nguy cơ. Nếu thấy mệt tăng lên hoặc có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải đến ngay bệnh viện.

Chỉ cần thử máu một lần lúc mới sốt

Nên thử máu hàng ngày để theo dõi diễn biến của bệnh.

Hoàng Hải (với sự trợ giúp tư vấn của TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội)

 


Ý kiến bạn đọc