Hà Nội: Vẫn còn các ổ bọ gậy, chưa kiểm soát được dịch sốt xuất huyết

06:08, 21/08/2017
|

(VnMedia) - Buổi kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác phòng dịch sốt xuất huyết sáng ngày 20/8 đã phát hiện một số ổ bọ gậy trong nhà dân. Đây chính là nguồn “cung cấp” muỗi vằn khiến dịch bệnh khó kiểm soát.

Sáng ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Từ đầu năm đến nay, Quận Tây Hồ ghi nhận gần 300 ca, riêng phường Thuỵ Khuê chiếm 67 ca.

Theo báo cáo của TS Vũ Đức Chính, Trưởng Khoa Ký sinh trùng và côn trùng của Viện Sốt rét và ký sinh trung Trung ương, ông cùng các chuyên gia đi bắt muỗi của Viện đã phát hiện 5 ổ bọ gậy ở hai hộ gia đình trong ngõ 282 phố Thụy Khuê, mỗi ổ bọ gậy khoảng hơn 10 con, trong đó có 4 ổ chứa muỗi aedes truyền bệnh sốt xuất huyết được tìm thấy tại bình trồng cây phát lộc để góc cầu thang, sân thượng, phế thải, họng sàn thoát nước.

Do địa bàn này mới được phun thuốc nên đoàn kiểm tra không bắt được muỗi trưởng thành, tuy nhiên, lứa bọ gậy vừa bắt được dự kiến sẽ  nở thành muỗi trong khoảng vài ngày nữa.

Bắt bọ gậy
Đoàn kiểm tra phát hiện ổ bọ gậy trong bình cây phát lộc

Trước thực tế đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị sau 1 tuần nữa phải tiếp tục phun lại để diệt nguồn muỗi phát sinh. Bộ trưởng nhấn mạnh, phun hóa chất chỉ diệt được muỗi mang mầm bệnh, quan trọng nhất vẫn là diệt bọ gậy, loăng quăng. Bộ trưởng nhấn mạnh, “Ngành y tế và các ngành vào cuộc mà người dân không hợp tác thì khó hiệu quả.”

Bộ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội tập trung phun thuốc tại các chợ, các phòng khám đa khoa, các bệnh viện, rạp chiếu phim, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi công cộng tập trung đông người. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra thuốc diệt muỗi vằn

Và hiện 12 quận, huyện của Hà Nội vẫn ở trong mức báo độ đỏ về sốt xuất huyết. Một số quận, huyện vẫn là điểm nóng sốt xuất huyết với số ca sốt xuất huyết cao:  Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân... tập trung đến 90% bệnh nhân toàn thành phố.

 

MUỖI VẰN

- Muỗi đốt người bệnh SXH sẽ mang virus SXH

- Trong vòng 8-10 ngày, virus SXH nhân lên trong cơ thể muỗi đủ để lây bệnh

- Trong suốt vòng đời của nó (khoảng 30 ngày), muỗi đốt ai sẽ lây bệnh cho người đó. Một con muỗi có thể lây bệnh cho cả gia đình

- Người bị muỗi đốt sẽ ủ bệnh trong 5-7 ngày, có người ủ bệnh 14 ngày

- Trong thời gian này, muỗi đốt người bị ủ bệnh cũng sẽ bị nhiễm virus

- Muỗi đẻ trứng chỗ nước sạch, truyền virus gây bệnh cho một số trứng

- Sau khoảng 10 - 15 ngày, 75% trứng muỗi sẽ phát triển thành bọ gậy, loăng quăng, muỗi non và trở thành muỗi trưởng thành.

- Số trứng còn lại bám vào chỗ khô, sống được trong 6 tháng. Khi có nước sẽ tiếp tục nở

- Cá, thạch sùng, nhện, chim có thể ăn muỗi

THUỐC DIỆT MUỖI ĐANG SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM

- Nhóm deltamethrin có tên Hatox 200

- Phun sương giúp các hạt len lỏi sâu vào các khe kẽ diêt muỗi, gián, kiến

- Không diệt được trứng muỗi, bọ gậy, loăng quăng

- Chỉ có tác dụng trong vòng vài giờ đồng hồ

- Sau khi thuốc tan, nếu trong nhà còn ổ loăng quăng sẽ tiếp tục nở ngay thành muỗi

- Không độc với người và động vật máu nóng

- Có thể gây kích ứng hoặc dị ứng nếu trực tiếp hít phải

PHÒNG DỊCH

- Phun thuốc diệt muỗi (có số đăng ký của Bộ Y tế)

- Không để môi trường cho muỗi đẻ trứng và bọ gậy, loăng quăng sống

- Mặc quần dài, áo dài, nhất là lúc sáng sớm và chiều tối (chu kỳ hoạt động của muỗi vằn)

- Đi ngủ nằm màn (cả buổi trưa và tối)

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc