Cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

06:25, 23/10/2017
|

(VnMedia) - Phản ánh hiện nay việc sử dụng đất quốc phòng tại một số địa phương có nhiều sai phạm, cử tri Hà Nội đề nghị tại kỳ họp gần nhất, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ…

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ký báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XIV thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương

Báo cáo cho biết, cử tri Hà Nội (quận Cầu Giấy, thị xã Sơn Tây) phản ánh hiện nay việc sử dụng đất quốc phòng tại một số địa phương có nhiều sai phạm; quy định quân đội thôi làm kinh tế, hiện chưa rõ quá trình này sẽ được thực hiện ra sao với số lượng không nhỏ các doanh nghiệp của Quân đội Nhân dân Việt Nam có mặt tại các ngành, từ ngân hàng, viễn thông, bất động sản, may mặc, vận tải, khách sạn, công nghệ thông tin và giải trí...

"Đề nghị tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để làm rõ hơn trách nhiệm và định hướng của Bộ trong thời gian tới" - báo cáo nêu rõ.

đất quốc phòng

Ảnh minh họa

Cử tri các quận: Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm thì đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành, có giải pháp cụ thể đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ.

Cử tri quận Nam Từ Liêm cũng phản ánh Luật Đất đai năm 2013 có nhiều kẽ hở khiến các tổ chức, cơ quan đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích của người dân. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Đất đai để bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Cử tri Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sớm tổng kết việc thực hiện Luật Thủ đô, nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính đặc thù trong Luật Thủ đô, theo hướng tạo điều kiện để Thủ đô được chủ động trong một số vấn đề cụ thể như: Chủ động chọn nhà thầu ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh của Thủ đô; Phân cấp, ủy quyền cho Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A vốn ngân sách Thành phố; Áp dụng cơ chế đặc thù trong việc xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có quy mô diện tích và tổng vốn đầu tư lớn; Quy định về quản lý quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành; Cho phép UBND Thành phố thực hiện hình thức thu tiền tương đương 25% diện tích đất ở hoặc diện tích nhà của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố.

Cử tri tiếp tục phản ánh việc Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 chưa đạt kết quả như mong muốn, đến nay các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội vẫn hoạt động gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, các bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô trước năm 2020, bàn giao lại trụ sở cũ để Thành phố xây dựng các công trình công cộng” – Báo cáo nêu rõ.

Đặc biệt, cử tri các quận Nam Từ Liêm; Bắc Từ Liêm đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh chính sách nhằm hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc mua và thuê đất dài hạn tại Việt Nam.

Cử tri Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành quy định cấm nhập khẩu thuốc lá, đồng thời hạn chế để dần tiến tới ngừng hoạt động các nhà máy sản xuất thuốc lá trên toàn quốc vì gây lãng phí và ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân.

Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung vào Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư 02 tiêu chí để đưa chung cư cũ vào kế hoạch cải tạo xây dựng mới chung cư cũ: Một là, chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng (theo cấp công trình); Hai là, chung cư cũ có hạ tầng quá tải, không đáp ứng về điều kiện vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Về lĩnh vực Y tế, cử tri Cử tri các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu không phân tuyến khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia khám, chữa bệnh.

“Cử tri phản ánh nhiều người dân không hào hứng tham gia mua bảo hiểm y tế vì cho rằng có cá nhân, tổ chức sử dụng quỹ bảo hiểm y tế đầu tư ngoài ngành, nhiều nơi có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm y tế dẫn đến nguy cơ vỡ Quỹ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ vấn đề này” – báo cáo nhấn mạnh.

Trong khi đó, cử tri các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyêntiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng quan tâm đầu tư kinh phí cải tạo nguồn nước sông Đáy và sông Nhuệ, vì nguồn nước của các sông là nguồn nước chủ yếu cung cấp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời kè những đoạn sông có nguy cơ sạt lở.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc