Không phải cứ sản phẩm "từ thiên nhiên" đã là an toàn, vô hại

16:07, 09/10/2017
|

(VnMedia) - Hạn chế, từ bỏ các sản phẩm được tạo ra từ các loại hóa chất là một xu hướng tất yếu, nhưng lựa chọn sản phẩm thay thế một cách an toàn trong một tình trạng báo động đỏ về việc sử dụng kháng sinh và hóa chất là điều không hề dễ dàng...

Sau nhiều năm chạy theo những sản phẩm hiện đại được quảng cáo với nhiều công dụng nhưng lại sản xuất chủ yếu từ các loại hóa chất, với nguy cơ mang đến nhiều loại tác dụng phụ không ngờ, con người hiện đang có xu hướng quay trở về với những sản phẩm từ thiên nhiên. Nhưng trên thực tế, không phải sản phẩm thiên nhiên nào cũng đáng tin cậy và vô hại.
 
dược liệu
Phần lớn số dược liệu nhập khẩu chỉ là “xác” dược liệu bởi các tinh chất có lợi cho sức khỏe đã bị “rút ruột” - ảnh minh họa
Nỗi sợ hóa chất
 

Chưa bao giờ con người lại hoang mang, lo lắng và cảm giác bất an luôn thường trực như bây giờ về hóa chất bủa vây cuộc sống. Từ những đồ xa xỉ như mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, quần áo, giày dép đến thực phẩm trực tiếp ăn vào miệng, từ nhà vệ sinh cho đến căn bếp, buồng ngủ… hầu như cái gì cũng có hóa chất dù là ở mức độ khác nhau.

Như về an toàn thực phẩm, nói đến thịt gia súc, gia cầm… không ai dám chắc chắn sạch 100% do không ít lần cơ quan chức năng đã phát hiện ra những vụ tồn dư kháng sinh hay thuốc tăng trọng quá mức cho phép trong thực phẩm. Mới đây nhất, dư luận bàng hoàng trước vụ việc gần 5.000 con lợn trước khi giết mổ đã bị tiêm thuốc an thần nhằm giảm tối đa trọng lượng hao hụt và còn khiến cho thịt dẻo, màu sắc đẹp hơn diễn ra gần đây ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM.

Hay trước đó là vụ việc hàng triệu con lợn đã đã được cho ăn chất độc Salbutamol, thực tế là nguyên liệu để bào chế thuốc điều trị hen suyễn nhưng được sử dụng trong chăn nuôi, bên cạnh làm cho tăng trọng còn tạo nạc và làm thịt heo bắt mắt. Trong thực tế, không thể biết được có bao nhiêu con lợn đã ngâm đẫm chất cấm độc hại này khi mà theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, riêng trong năm 2015 đã có gần 10 tấn Salbutamol nhập về Việt Nam, trong đó khoảng 3 tấn lưu giữ trong kho, còn lại đã được bán ra thị trường nhưng chỉ 10kg sử dụng đúng quy định. Các cơ quan chức năng chỉ ước tính có khoảng 6 triệu con lợn bị ăn thức ăn có trộn chất cấm và bán ra ngoài thị trường cho người tiêu dùng.

Không chỉ thực phẩm, mỹ phẩm cũng là mặt hàng được coi là sử dụng nhiều loại hóa chất. Như Johnson&Johnson, một “thương hiệu” gồm các sản phẩm chăm sóc da và tóc… cho trẻ em của nước Mỹ nhưng cũng đã bị chính Tòa án Los Angeles yêu cầu bồi thường khoản tiền kỷ lục 417 triệu USD cho nguyên đơn là bà Eva Echeverria, một người dân ở California đang phải điều trị ung thư buồng trứng vì sử dụng phấn rôm của hãng này từ năm 1950 tới 2016. Điều đáng nói là sản phẩm này cũng được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Mới đây nhất, Bộ Y tế công bố, có đến 75% chất kháng sinh được sử dụng trong nông nghiệp. Theo đó, tại Việt Nam, hiện nay kháng sinh sử dụng cho mục đích điều trị chỉ chiếm dưới 30%. Khoảng 15% người bệnh được điều trị đã phải dùng đến các thuốc phác đồ bậc hai và bậc ba. Chi phí các thuốc này gấp 100 lần so với các thuốc phác đồ bậc một. Việt Nam đứng thứ 14/27 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc trên thế giới. Tỷ lệ kháng thuốc ở những người mới nhiễm HIV chưa điều trị ARV kháng HIV dưới 5%.

Còn theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 75% lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được dùng trong nông nghiệp (thế giới là 60%). Có khoảng 700g-3,3kg kháng sinh/tấn cá, cao hơn 7-33 lần so với các nước khác.

Trước sự bủa vây, xuất hiện không ít trong tầng tầng lớp lớp của các sản phẩm tiêu dùng, hóa chất đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân và đó là căn nguyên khiến họ trở lại với thiên nhiên trong tiêu dùng, nhất là những sản phẩm như dược, mỹ phẩm, thực phẩm...

Không phải cứ sản phẩm từ thiên nhiên là an toàn

Từ bỏ các sản phẩm được tạo ra từ các loại hóa chất là một xu hướng tất yếu để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và giống nòi, nhưng lựa chọn sản phẩm thay thế một cách an toàn trong một tình trạng báo động đỏ về việc sử dụng kháng sinh và hóa chất trong nông nghiệp như hiện nay, cho dù đó là sản phẩm “từ thiên nhiên” cũng là điều không hề dễ dàng.

Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê sau một cuộc khảo sát, có tới 80% người dân trên thế giới đang hướng đến các sản phẩm sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên. Còn theo báo cáo của Tạp chí New Nurtrition Business, 74% số người được khảo sát cho rằng những sản phẩm từ thiên nhiên sẽ tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, việc trở lại với nguồn gốc tự nhiên trong các sản phẩm của Việt Nam có được đúng như mong muốn khi nguyên liệu đang trong tình trạng thừa mà thiếu. Thừa ở chỗ là một nước có nền Đông y phát triển với hơn 5.000 loại thảo dược, thế nhưng hiện chúng ta đang phải nhập khẩu tới 80% thảo dược chủ yếu từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Và đáng nói là phần lớn số dược liệu này chỉ là “xác” dược liệu bởi các tinh chất có lợi cho sức khỏe đã bị “rút ruột”. Thế nên thiếu vẫn hoàn thiếu.

Thống kê cho thấy có tới 80% các loại nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam được nhập khẩu, rất nhiều trong số đó không hề có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.

Điều đáng nói là, có tới 60% dược liệu trên thị trường không đạt chất lượng với hàm lượng hoạt chất không đủ tiêu chuẩn theo kiểm tra lấy mẫu Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Khủng khiếp hơn, 20% số dược liệu bị kiểm tra còn bị trộn lẫn rác, cát, xi măng, dược liệu giả.

Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền cho biết: Hiện nay, phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi tuần khoảng 300 - 400 tấn dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn.

Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của các dược liệu....

Ông Khánh cho rằng, dược liệu rất khó định lượng về chất lượng, nó không giống như thuốc tân dược nên càng khó. Hơn nữa, cán bộ hải quan chỉ kiểm tra được giấy tờ và các thủ tục liên quan. Đó là còn chưa kể đến nguồn dược liệu đông dược được nhập khẩu tiểu ngạch.

Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng mạng lưới bảo tồn dược liệu tại 7 vùng sinh thái Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và đang phát triển rộng trên toàn Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia tại các viện nghiên cứu nguồn dược liệu khá phong phú.

dược liệu
Vùng trồng cây đương quy theo tiêu chuẩn Vietgap tại Bắc Hà Lào Cai

Với nguồn dược liệu, thảo dược phong phú như hiện nay, theo xu hướng mới, người Việt sẽ được sử dụng các loại thảo dược cho sinh hoạt gia đình thay thế hóa mỹ phẩm.

Tuy nhiên, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho rằng, để phát triển được dược liệu tại Việt Nam nói chung, trước hết cần rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu phù hợp với từng địa phương và gắn với thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí từ ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng; phát triển các cơ sở thu mua kèm theo sơ chế, chế biến. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần đầu tư nghiên cứu cung ứng nguồn giống cho bà con, kèm theo việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại…

dược liệu
Vùng trồng cây cát cánh theo tiêu chuẩn GACP - WHO

Bà Nguyễn Lam Giang, đại diện đơn vị triển khai Dự án BioTrade (Dự án hỗ trợ phát triển ngành dược liệu tại Việt Nam theo hướng chuẩn hoá để phát triển cây dược liệu do Liên minh châu Âu - EU tài trợ) cho rằng, quy trình sản xuất sản phẩm từ thiên nhiên cần được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu giống, chọn vùng trồng, chăm sóc, thu hái cho đến chế biến, bảo quản. Muốn được như vậy cần rất nhiều cam kết của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng. Chỉ khi người tiêu dùng đặt ra tiêu chí chất lượng khi mua hàng, và sẵn sàng trả giá xứng đáng cho chất lượng có được, người sản xuất mới có đủ động lực để làm đúng, làm chuẩn. Bà Giang khẳng định, Dự án BioTrade sẽ hỗ trợ bà con, doanh nghiệp thực hiện điều này.

Đồng thời, chú trọng tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu địa phương, nâng cao sinh kế cho người dân nông thôn và khuyến khích họ tuân thủ và áp dụng các nguyên tắc BioTrade, một bộ nguyên tắc bao gồm các hoạt động liên quan đến việc thu hái, sản xuất, chế biến và thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc đa dạng sinh học bản địa, theo các tiêu chí bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Các sản phẩm sản xuất theo nguyên tắc này sẽ được dán tem, nhãn trên bao bì để người dân dễ nhận biết và yên tâm với việc lựa chọn sản phẩm.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc