Sông Hoàng Long vượt lũ lịch sử, Thủ tướng đi ca nô thị sát

19:18, 12/10/2017
|

(VnMedia) - Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát Đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.

Tại đập tràn Lạc Khoái, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo về công tác chống lũ, phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra. Đánh giá cao việc tỉnh khẩn trương tiến hành di dân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo đảm an toàn tối đa cho người dân.

Sau đó, Thủ tướng đã đi ca nô trên sông Hoàng Long để thị sát tình hình lũ.

Thủ tướng đi ca nô thị sát lũ
Thủ tướng đi ca nô thị sát lũ trên sông Hoàng Long

Sau khi đi thị sát, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh tại nhà vận hành đập tràn Lạc Khoái.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, lượng nước dâng cao, nhiều khu vực bị ngập. Năm nay, mực nước sông dâng cao đến mức 5,53 m, cao nhất trong hơn 30 năm qua (vượt đỉnh năm 1985 là 5,23 m). Tối qua, tỉnh đã tiến hành di dân, xử lý các điểm sạt lở. Nếu mực nước sông lên 10 cm thì sẽ tiến hành phương án xả lũ.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học chưa phá đê xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,50 m. Đến nay, phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Cho rằng nguy cơ mưa lớn vẫn còn khi áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, cùng với gió mùa Đông Bắc tràn về, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn, tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều - hiện đã no nước, có nguy cơ thẩm thấu. Đây là điều rất quan trọng khi mà "nước dâng 5-10 cm nữa là rất nguy hiểm", Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Gia Viễn và vùng phụ cận từ đêm ngày 9/10 đến ngày 11/10 đã có mưa to đến rất to, kèm theo giông gió.

 

Tổng lượng mưa đo được đến hết ngày 11/10 là trên 400 mm, riêng ngày 11/10 lượng mưa bình quân trên địa bàn huyện đạt khoảng 180 mm... đã gây ra tình trạng ngập úng nội đồng và xuất hiện lũ lớn trên sông Hoàng Long với nước từ Hưng Thi (Hòa Bình ) đổ về.

Theo báo cáo sơ bộ của huyện Gia Viễn, mưa lũ đã làm cho 1.700 ha lúa của huyện bị ngập úng, có 200 ha bị mất trắng; 153,7 ha rau màu bị dập nát; 520 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập trắng; lũ cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm; 853 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 600 ngôi nhà ở thôn Kênh Gà bị ngập hoàn toàn; sạt lở 2 km kênh cứng, 6 km kênh nội đồng, 45m kênh ven đê (Gia Hòa) và 30 m đê (Gia Vân); vỡ 2 đập tràn đất ở Gia Hưng...

Dự báo mưa vẫn chưa dứt, mực nước tại Hưng Thi còn lên cao, do vậy lũ trên sông Hoàng Long vẫn còn khả năng tiếp tục lên. Trong trường hợp mực nước tại bến Đế đạt 5m3 thì phải xả tràn Lạc Khoái nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đê vùng hạ lưu và nhất là đê tả Hoàng Long.

Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện ứng trực tại vị trí được giao.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập.

Theo đó, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, UBND các tỉnh, thành phố: Tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ lưu các hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố để bảo bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bằng mọi biện pháp tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn. Triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập trên địa bàn. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

Đối với các địa phương ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố sau đập thủy điện Hòa Bình cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và kế hoạch xả lũ của các hồ thủy điện; triển khai ngay phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động, tập trung bảo vệ hệ thống đê điều, nhất là tại các khu vực trọng điểm xung yếu; bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời thông tin mưa lũ đến người dân sinh sống hoặc có các hoạt động trên sông, ven sông để chủ động phòng, chống; tổ chức rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông khi có nguy cơ xảy ra ngập sâu.

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản, nhất là các hoạt động trên sông và ven sông Hồng.

Thứ ba, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện và hệ thống điện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc vận hành các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Thứ tư, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trong các đợt mưa lũ vừa qua; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải thủy.

Thứ năm, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán dân cư và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thứ sáu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tăng mật độ bản tin dự báo phục vụ công tác chỉ đạo vận hành các hồ chứa, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân chủ động ứng phó.

Thứ bẩy, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến mưa, lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng, nhất là thông tin xả lũ đột xuất của các hồ chứa để các cơ quan và người dân biết, chủ động các biện pháp ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

Thứ tám, các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lũ theo quy định.

Thứ chín, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; quyết định ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện lớn theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du, nâng cao hiệu quả phát điện; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc