Đại biểu Quốc hội: "Công chức được bao bọc cả đời nên cứ làm việc từ từ!"

16:54, 01/11/2017
|

(VnMedia) - “Tại sao công chức thì phải là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức, thế là đã được bao bọc suốt đời, cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu…” - Đại biểu (ĐB) Quốc hội đặt vấn đề.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (1/11), ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt câu hỏi: "Tại sao công chức thì phải là công chức suốt đời?”.

"Trong nhiều báo cáo của chúng ta có đánh giá một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi đó thì nguồn nhân lực của chúng ta không thiếu, thậm chí là đang dư thừa. Cho nên, vấn đề đặt ra là tại sao công chức thì phải là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức, thế là đã được bao bọc suốt đời, cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu thì có bảo hiểm xã hội” - ĐB Nguyễn Quốc Hận đặt vấn đề.

“Với lực lượng làm việc từ từ như vậy thì sao buộc bộ máy vận hành nhanh hơn, tốt hơn? Nên chăng đã đến lúc chúng ta phải tính lại tính cạnh tranh trong công chức, đó là cứ sau vài năm chúng ta đánh giá lại công chức một cách thực chất, mà đó là đánh giá thực chất chứ không như quy trình đánh giá cán bộ, công chức mang tính hình thức như hiện nay, để từ đó chúng ta loại ra khỏi công chức một số người không còn đủ điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc và song song đó chúng ta tổ chức tuyển dụng đội ngũ công chức mới vào".

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận

Theo ĐB Hận, đây cũng có thể cho là một giải pháp tạo đầu ra cho nạn thất nghiệp đã qua đào tạo chống lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực nhưng đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh chọn được người nổi trội, tạo sự năng nổ trong thực hiện công việc của cán bộ công chức qua đó góp phần nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước. Trong khi đó, theo ĐB Hận, thực trạng thất nghiệp của sinh viên ĐH sau khi tốt nghiệp rất đáng chú ý.

ĐB Hận nêu lên một con số: Theo số liệu từ Viện Khoa học, Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì đến thời điểm quý II năm 2017 trong cả nước còn có 180.000 cử nhân chưa có việc làm. Vấn đề này đã được các ngành chức năng mổ xẻ nhiều rồi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu.

Ông nói: “Hy vọng vào sự tốt đẹp dành cho thế hệ tương lai, nhiều gia đình đầu tư cả gia sản, bán cả ruộng vườn mà cả đời mình lao động cực nhọc, tích góp được để vun vén cho con ăn học, đó là chưa kể đến sự đầu tư của xã hội để rồi sau bao năm đèn sách với nhiều kỳ vọng về tương lai thì ra trường vác bằng đại học đi xin việc khắp nơi nhưng không một ai đón nhận".

“Đây quả là một sự hẫng hụt lớn. Trên 1 số trang mạng có những sinh viên do phẫn uất đã tự tay đốt tấm bằng đại học mà sau bao ngày phấn đấu cật lực của mình để đi làm 1 việc khác, công việc mà không cần phải học hành nhiều cũng làm được, đó là chạy xe ôm” - ĐB Hận nói.

Không chỉ người lao động bỏ việc

Tại buổi thảo luận, một số đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đã có ý kiến tranh luận lại với ý kiến của ĐB Bùi Sỹ Lợi liên quan đến nguyên nhân lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo đó, ngày 31/10, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, nguyên nhân của những lao động nghỉ việc dưới 35 tuổi phần lớn đến từ phía người lao động. Tuy nhiên, theo ĐB Như Ý, thực tế ở Đồng Nai cũng như các địa phương khác, tỷ lệ lớn người lao động chấm dứt hợp đồng lao động từ phía người sử dụng lao động cũng rất nhiều.

“Bên cạnh lý do thay đổi công nghệ máy móc cơ cấu lại lực lượng lao động thì người sử dụng lao động cũng đã không muốn sử dụng lao động lớn tuổi làm việc nhiều năm vì họ phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều, có thể do mắt mờ, tay yếu nên năng suất lao động cũng kém hơn người trẻ” - ĐB Như Ý khẳng định.

Theo ĐB Như Ý, việc chấm dứt hợp đồng lao động có thâm niên công tác từ 10-15 năm cho dù không trái với quy định của pháp luật lao động hay chưa đúng với quy định cũng đều rất đáng lo ngại.

Tiếp tục trao đổi về vấn đề này, ĐB Bùi Sĩ Lợi nói: “Rất buồn là đồng chí Như Ý khi xuống doanh nghiệp thì không xuống được. Tôi không kết luận là một số doanh nghiệp không có tư tưởng đẩy lao động cao tuổi ra. Phải nói là rất nhiều doanh nghiệp cũng có tư tưởng đó và mong muốn người ta cũng như vậy, nhưng không hoàn toàn tất cả các doanh nghiệp đều như vậy. Chúng ta đánh giá cho khách quan, tôi quan sát ở các địa phương và theo báo cáo thì tỷ lệ chiếm rất thấp và nữ cũng rất thấp.”

Tuy nhiên, tiếp tục tranh luận về đề tài này, ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), người đã có 5 năm làm trong nghề cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết: Vấn đề doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động rộ lên gần đây nhưng không phải mới, nó đã diễn ra cách đây hơn 10 năm. Nhưng thời điểm từ năm 2000 - 2005, các doanh nghiệp mới vào muốn công nhân có trình độ, có tay nghề, nên nhảy việc là có và ít thấy doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc. Nhưng nay, sau 10, 12 năm thì vấn đề này bắt đầu xuất hiện. 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc