Thanh tra Chính phủ nói về việc xử lý ông chủ "biệt phủ" Yên Bái

19:38, 03/11/2017
|

(VnMedia) - Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương thực hiện theo kết luận của TTCP. Về tiến độ đối với việc xử lý, UBND tỉnh Yên Bái sẽ báo cáo trước ngày 31/11....

Kết luận thanh tra vụ việc “xây biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái là vấn đề mà báo chí đã quan tâm đặt câu hỏi vào chiều 3/11, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

Theo đó, câu hỏi đặt ra là: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có bình luận gì với kết quả thanh tra  tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái? Thanh tra Chính phủ đánh giá thế nào về việc thực hiện kết luận thanh tra đối với ông Phạm Sỹ Quý?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Thanh tra Chính phủ nói: “Chúng tôi ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Về tiến độ đối với việc xử lý, UBND tỉnh Yên Bái sẽ báo cáo trước ngày 31/11. Việc đánh giá kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ được đánh giá sau khi UBND tỉnh báo cáo.

“Những vấn đề liên quan đến pháp luật tài sản, phòng chống tham nhũng… chúng tôi sẽ trao đổi thêm về mặt nghiệp vụ với các anh chị phóng viên” – đại diện Thanh tra Chính phủ nói thêm.

Họp báo Chính phủ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 3/11

Cũng tại cuộc họp báo, một lần nữa, vấn đề hợp nhất một số Bộ có nhiệm vụ và chức năng tương đồng và đánh giá những Bộ nào có chức năng tương đồng lại được các nhà báo nêu ra.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, Trung ương đã có  Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về nội dung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” cũng đã nêu việc kiện toàn sắp xếp tổ chức đầu mối bộ máy như Giao thông - Vận tải, Tài chính - Kế hoạch và đầu tư, Tôn giáo – dân tộc…

Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ trong thời gian tới xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này.  Bộ Nội vụ sẽ căn cứ Nghị quyết, có những nội dung có thể xem xét áp dụng làm ngay, có nội dung sẽ xem xét, nghiên cứu làm thí điểm, một số nội dung sẽ chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII để triển khai trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề hàng hoá sản xuất ngoài nước lấy nhãn mác trong nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên vừa qua có nhiều vụ việc nổi cộm trong vấn đề này như xăng A92 giả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài gắn mác sản xuất tại Việt Nam và ngược lại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam gắn mác nước ngoài để bán, gây tổn hại đến sản xuất trong nước.

"Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt, gây thiệt hại lớn tới sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng", Người phát ngôn của Chính phủ nói.

Vì vậy, trong ngày 3/11, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm.

Cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học & công nghệ cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm. Các cơ quan hữu quan phải báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 15/12.

Sớm có cơ chế đặc thù cho TP. HCM

Liên quan đến vấn đề cơ chế chính sách thí điểm phát triển TPHCM, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, ngày hôm nay (2/11), Chính phủ đã dành thời gian thảo luận đề xuất của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của TP. HCM về cơ chế chính sách thí điểm để phát triển TP. HCM.

Trên cơ sở TP. HCM đã làm việc với các Bộ, và Chính phủ cũng sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị và trình dự thảo ra Quốc hội, dự kiến sẽ thông qua trong Kỳ họp thứ 4 của QH khóa 14.

“Đây là Nghị quyết được dư luận rất quan tâm. Ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết. TP.HCM là đầu tàu kinh tế, có vị trí cực kỳ quan trọng, đóng góp 27-28% GDP cả nước; Đóng góp ngân sách chung của cả nước là 25-26%. Với một đầu tầu như vậy, cần có cơ chế thí điểm cho TP.HCM phát triển với một số vấn đề, đó là quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, cơ chế quản lý về đầu tư, cơ chế quản lý tài chính và ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền, thu nhập của cán bộ công nhân viên chức thuộc quyền quản lý của Thành phố. Đây là vấn đề rất lớn.

Phải đặt vấn đề thí điểm vì đây là những nội dung đã ban hành từ luật, pháp lệnh, văn bản quy pháp luật nhưng trong thực tiễn, có thể chưa phù hợp thì cần phải có cơ chế thí điểm để đột phá, đổi mới, hiệu quả. Ngoài ra, trong thực tiễn đời sống rất cần, nhưng chưa có quy định để điều chỉnh thì cũng cần thí điểm.

Trên cơ sở nguyên tắc như vậy, hôm nay Chính phủ đã thảo luận để TP.HCM - đầu tầu về kinh tế có cơ chế thí điểm, từ phân quyền, phân cấp, thẩm quyền hành chính của Thành phố… Những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, của các bộ trưởng các Bộ, hôm nay Chính phủ đã bàn rất rõ. Nguyên tắc là tạo cho Thành phố chủ động giải quyết các việc điều hành thay vì phải báo cáo các bộ ngành, với Thủ tướng.

"Với vai trò đầu tầu, với sự năng động đổi mới sang tạo thì  cơ chế để tạo Thành phố phát triển nhanh, linh hoạt…. Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ trình trong Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV" - Bộ trưởng thông tin.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc