Có dấu hiệu tiêu cực tại một số vụ đình chỉ vụ án, bị can

09:29, 22/05/2014
|

(VnMedia)- Theo đánh giá, trong thời gian qua một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu tiêu cực, áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải tội danh về tham nhũng vẫn còn xảy ra...

>> Gần 300 vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử

Tiêu cực tại những vụ phát hiện tham nhũng


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013 đến nay; phương hướng, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới của Ban Nội chính Trung ương, công tác PCTN thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân trong PCTN; trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp;

Nhận định của Ban Nội chính cho thấy, việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu PCTN; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu, một số trường hợp chưa xử lý triệt để, muốn xử lý nhẹ, xử lý nội bộ, không muốn chuyển cơ quan chức năng xem xét để xử lý theo quy định pháp luật; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị PCTN chưa đáp ứng yêu cầu (lực lượng còn mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao);

Đáng lưu ý là việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu tiêu cực, áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải tội danh về tham nhũng vẫn còn xảy ra; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp; chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN; cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo hành vi tham nhũng còn ít, trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng và xử lý kịp thời, kiên quyết người trả thù, trù dập người tố cáo tham nhũng; việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng còn hình thức (khen thưởng chưa kịp thời, mức khen thưởng thấp) nên chưa động viên, khuyến khích được người dân tố cáo tham nhũng.

Vì sao?

Trong báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, những hạn chế của công tác PCTN nêu trên có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đáng chú ý là:

Giữa quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước với hành động thực tiễn của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN còn có khoảng cách, nói không đi đôi với làm. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN; việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức còn yếu; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN; việc thực thi pháp luật không nghiêm;

Một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, thiếu đồng bộ, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đầy đủ, còn có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoặc chưa đủ sức răn đe đối với hành vi tham nhũng;

Hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng phục vụ công tác PCTN còn gặp khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng;

Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý hoặc tiêu cực, tham nhũng khi có điều kiện;

Do sợ mất thành tích hoặc do quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa thật rõ nên không ít người đứng đầu ngại bị quy trách nhiệm quản lý, vì vậy không tích cực hoặc không dám chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình;

Năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác PCTN chưa đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN trong tình hình hiện nay; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; thậm chí còn xảy ra tiêu cực, tham nhũng ngay trong chính các cơ quan, đơn vị này( );

Một số vụ việc, vụ án chưa có sự phối hợp tốt giữa cơ quan Thanh tra với cơ quan tiến hành tố tụng (như việc chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sang Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố hình sự) hoặc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (như nhận định, đánh giá chứng cứ, tội danh, quan điểm xử lý vụ án...) dẫn đến việc xử lý một số vụ việc, vụ án thiếu kiên quyết, kéo dài;

Bộ máy hành chính còn cồng kềnh; phân công, phân cấp chưa thật rõ ràng, rành mạch; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa đạt kết quả như mong đợi; thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ, nhất là các khâu, quy trình, thủ tục liên quan tới người dân, doanh nghiệp dẫn đến tình trạng sách nhiễu, tiêu cực gây bức xúc trong xã hội; 

Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy mới được thành lập, còn có những khó khăn, lúng túng ban đầu về tổ chức và hoạt động nên đã ảnh hưởng nhất định đến công tác tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN ở địa phương.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc