Bắt giam nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án nước Sông Đà

06:48, 09/05/2015
|

(VnMedia) - Ông Hoàng Thế Trung bị bắt về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, khiến đường ống nước Sông Đà vỡ 10 lần, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân Thủ đô...

>> Khởi tố điều tra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà

Ảnh minh họa
Ông Hoàng Thế Trung nghe đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam

Ngày 8/5, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Thế Trung  (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án nước sông Đà) về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, ông Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ống cốt sợi thuỷ tinh Vinaconex cũng bị khởi tố về cùng tội này.

Các quyết định và lệnh trên đã được viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2014, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C46 - Bộ Công an)đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng cùng Viện Vật liệu xây dựng xác định nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống này là do chất lượng ống không đồng đều, đường ống được làm bằng vật liệu composite, không chịu được lực uốn và biến dạng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Hoàng Thế Trung và Trần Cao Bằng là những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra những vi phạm về việc sản xuất, lắp đặt hệ thống ống nước dẫn đến đường ống bị vỡ liên tục.

Tuyến đường ống nước sông Đà do Tổng công ty cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ năm 2008 với công suất 300.000 m3 nước mỗi ngày đêm.

Trong 6 năm hoạt động, đường ống nước đã 10 lần vỡ hoặc gặp sự cố, ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân ở Hà Nội.

Điều 229 Bộ luật Hình sự. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc