Hãi hùng nghe thợ săn rắn độc kể chuyện bắt "mãng xà"

11:34, 22/05/2013
|

Vùng đất quê lúa huyện Yên Thành, Nghệ An có địa hình bán sơn địa rất thuận lợi cho các loài rắn sinh sống. Cũng từ đây người dân Yên Thành ngoài làm nông thì trong những ngày nông nhàn có thêm một nghề phụ như một lẽ tất nhiên: nghề săn bắt rắn.

Nghề này đã có từ rất lâu và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do việc săn bắt rắn trước đây diễn ra rầm rộ nên số lượng rắn cũng ít đi, thêm nữa đây là nghề nguy hiểm, luôn đối mặt với thần chết nên nhiều thợ săn bắt rắn bỏ nghề.

Anh Trần Văn Lai, một thợ săn bắt rắn có tiếng ở huyện Yên Thành.

Thời điểm săn bắt rắn thường là vào mùa hè, dịp này thời tiết nắng nóng, rắn thường ra phơi nắng trên các ngọn cây, bờ mương ẩm thấp nên dễ tìm thấy. Sau nhiều lần đặt lịch hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng được anh Trần Văn Lai (SN 1969), một thợ răn bắt rắn khét tiếng ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành cho theo chân. Anh Lai cho biết hành nghề này đã hơn chục năm, anh cũng không nhớ nổi trong ngần ấy năm mình đã bắt được bao nhiêu con rắn.

Anh Lai chia sẻ, săn bắt rắn là nghề rủi ro rất cao bởi chỉ sơ suất hay chậm vài giây cũng đều nguy hiểm đến tính mạng. Nếu mình không manh động hoặc bỏ chạy thì rắn sẽ không rượt theo. “Tôi lúc đầu đi cũng sợ lắm nhưng sau vài lần bắt được rắn rồi quen và không thấy sợ hãi nữa”, anh Lai nói.

Mùa hè là dịp để săn bắt rắn vì trời nắng nóng chúng thường nằm ở ngọn cây hoặc ra bờ sông uống nước, tránh nắng.

Theo như tường thuật của anh Lai thì cách săn bắt rắn của những người thợ này cũng rất đơn giản. Dụng cụ để hành nghề thì chỉ cần một túi đựng rắn (bao bì hoặc bao cước), móc dùng để bắt những con rắn nằm trên cây và một vài thứ thuốc gia truyền chữa rắn cắn phòng khi gặp nạn.

“Mỗi khi gặp rắn đang trườn trên mặt đất chúng ta phải đứng thật im không nhúc khích và gọi cho một người đồng nghiệp đến hỗ trợ. Sau đó, đuổi rắn chạy vào một lối khuất nào đó, khi nó chạy qua là chộp luôn. Đối với những con đang treo mình trên ngọn cây thì một người trèo lên rung cho rắn rơi xuống. Người còn lại đứng dưới, chờ cho rắn rơi đúng tầm thì chộp luôn rồi bỏ nhanh vào túi”, anh Lai chia sẻ kinh nghiệm săn bắt rắn.

Người săn rắn chuyên nghiệp không bao giờ đi một mình mà thường rủ nhau đi theo nhóm vài ba người. Bởi theo anh, mỗi khi gặp rủi ro dễ xử lý cũng như thuận lợi mỗi khi đột nhập trúng “ổ” hoặc gặp rắn lớn. Có nhiều loại rắn: Hổ trâu, hổ chúa, hổ gió, cạp nong, cạp nia, rắn lục, rắn ráo… Tuy nhiên theo anh Lai thì trong các loài rắn mà anh gặp thì hổ mang chúa vẫn là loại mà anh “ớn” nhất. Bởi chỉ cần phát hiện thấy người là chúng lao thẳng vào hoặc dựng đầu lên, cổ bành ra, chỉ cần chậm một động tác thì người bắt rắn lãnh đủ. Cũng chính vì thế mà người ta thường nói nghề săn bắt rắn là nghề luôn đối mặt với tử thần. Rắn càng độc, giá càng cao nhưng rủi ro mang lại càng lớn. 

"Đầu nậu" T. bắt từ trong chuồng nhà mình ra một con rắn hổ chúa. Theo Lời T. thì khu nuôi rắn của anh ta chỉ toàn nuôi loại này vì cho thu nhập cao.

Giáp mặt " đầu nậu " thu mua rắn

Mặc dù biết nghề săn bắt rắn độc là rất nguy hiểm, thậm chí là bỏ mạng nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên không ít người như anh Lai vẫn xem đó là một nghề kiếm sống. Những người may mắn trúng lớn, thì bằng người nông dân làm cả vụ lúa. Thậm chí nhiều “đậu nậu” đổi đời cũng nhờ rắn. Theo kinh nghiệm của thợ săn Trần Văn Lai thì các loại rắn mai gầm, hổ đất, hổ hành... thường ít manh động, xoay trở chậm nên rất dễ bắt. Riêng rắn ráo và hổ chúa thì rất nhanh và luôn tìm cách thoát thân.

Hổ chúa là loại rắn nhanh hẹn và thiện chiến, chúng có những cú quăng mình rất xa, tấn công phủ đầu đối phương. Nọc rắn hổ chúa cũng có thể giết chết một người cao lớn chỉ trong vòng 10 phút. Vì vậy, mỗi khi bị loại rắn này tấn công và trúng độc, nếu không nhanh hút nọc độc và đi cấp cứu kịp thời thì tính mạng khó bảo toàn. Tại các xã Phúc Thành, Hợp Thành của huyện Yên Thành nhiều người đã bỏ nghề, phải tháo khớp chân, tay và thậm chí là mất mạng vì bị rắn hổ chúa cắn.

 

Một ngăn nuôi rắn hổ chúa của anh T.

Được sự giới thiệu của anh Lai, chúng tôi có dịp mục sở thị khu nuôi rắn của đầu nậu L.V.T với điều kiện không đưa địa chỉ, hình anh này lên báo vì anh ta cũng ý thức được việc săn bắt và thu mua rắn là trái phép.

T. cho biết gia đình anh chuyển từ nghề nuôi lợn sang nuôi và thu mua rắn từ hơn chục năm nay. Khu nuôi nhốt rắn của gia đình anh T. nằm khuất, kín đáo trong khu vườn rộng lớn, nếu không chú ý thì sẽ rất khó phát hiện. Chuồng rắn được xây thành từng ô, ngăn cách với nhau và được bịt kín phía trên, chỉ chứa một ô nhỏ để bắt rắn và cho bỏ thức ăn vào chuồng.

Còn đây là con rắn ráo. Loài rắn nay hiền lành, cắn không chết người.

Một con rắn hổ chúa nặng hơn 1 kg vừa được "đầu nậu" T. thu mua từ các tay thợ săn.

Theo lời T. thì tất cả rắn mà anh nuôi đều là hổ chúa, còn các loại rắn khác chỉ thu mua giữ lại vài ngày là bán ngay vì chúng rất khó nuôi. Hơn nữa, rắn hổ chúa rất đắt nên chỉ cần vỗ béo ít tháng tăng được ít lạng là có tiền triệu rồi. Nói xong, anh nhấc tấm bê tông lên rồi thản nhiên dùng một chiếc que khều một con rắn hổ mang đen sì bằng lốp xe đạp đưa ra cho chúng tôi xem.  Thấy chúng tôi có vẻ sợ hãi, T. liền lên tiếng mặc dù rắn hổ chúa rất hung dữ nhưng nuôi nhiều nên quen. Hơn nữa, mỗi khi bắt chúng phải nhẹ nhàng đừng để chúng bị thương thì chúng sẽ không tấn công mình.

T. cũng cho biết, hiện nay không riêng gì anh mà hiện trên địa bàn huyện Yên Thành có khoảng gần 10 “ đầu nậu ” chuyên thu mua rắn, có người đang giữ hàng tạ rắn trong nhà. Việc thu mua rắn rủi ro về tính mạng không cao như những người thợ săn nhưng cũng dễ “mất cả chì lẫn chài” nếu không bán được hoặc bị lực lượng chức năng truy quét thì coi như xong.

Nguy cơ tuyệt chủng

Việc săn bắt rắn tự nhiên cho thu nhập cao nên ở huyện Yên Thành có rất nhiều người theo nghề. Thậm chí, có thời điểm cả làng cùng đi săn bắt rắn như làng Xuân Tiêu (xã Hợp Thành), xóm 13 (xã Phúc Thành)… Cụ thể ở thời điểm hiện tại giá mà đầu nậu T. mua của các thợ săn tùy từng loại rắn, từng con to hay nhỏ mà có giá khác nhau. Đối với hổ chúa có giá từ 300 - 500 ngàn đồng/kg; cạp nong, cạp nia có giá từ 200 - 400 ngàn đồng/kg; rắn ráo có giá thấp hơn từ 100 - 150 ngàn đồng/kg. Các loại rắn nước thì có giá thấp hơn. 

Việc săn bắt rắn tràn lan, quy mô lớn hiện nay đang đẩy các loài rắn tự nhiên vào nguy cơ tuyệt chủng. Đó là nhận định của các nhà sinh thái và những người có chuyên môn về sinh vật.


Theo Infonet

Ý kiến bạn đọc