Dừng công tác Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt

06:41, 24/03/2014
|

(VnMedia) - Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vi này đã tạm dừng công việc đối với Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt để tập trung giải trình, cung cấp tư liệu về vụ đối tác Nhật "tố" nhận hối lộ 700.000 USD.

>>
Quan chức ngành Đường sắt "bị tố" nhận 700.000 USD hối lộ

Xung quanh việc tờ Nhật báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun thông tin, Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ cho một vài lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu yen (hơn 700.000 USD), để giành hợp đồng tư vấn thiết kế cho các dư án đường sắt dùng ODA của Nhật Bản, chiều 23/3, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, lãnh đạo ngành Đường sắt đã ra quyết định thành lập tổ điều tra nghi án nhận hối lộ. 

Theo ông Thành, phía đường sắt Việt Nam sẽ thành lập tổ kiểm tra do ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt làm trưởng đoàn; tổ viên là trưởng các phòng ban chuyên môn để rà soát lại toàn bộ các dự án ODA có liên quan đến nhà thầu JTC đồng thời kiểm tra lại toàn bộ các khâu thủ tục liên quan.
 
“Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng ra quyết định đình chỉ công tác với Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt. Riêng, các cá nhân khác có liên quan đều phải viết giải trình,” ông Thành cho hay.
 

          Đồ họa của Nhật báo Yomiuri Shimbun
Trong một diễn biến liên quan, tối 23/3, Bộ Giao thông vận tải đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ sẽ kiên quyết, khẩn trương kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai. Theo Bộ trưởng, điều này sẽ góp phần củng cố thêm mối hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay, đồng thời cũng khẳng định quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và yêu cầu của nhân dân về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế (JICA) tại Việt Nam để tiếp nhận và chia sẻ thông tin về vụ việc này.
 
“Sáng 24/3, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với JICA và Đại sứ quán Nhật để thông tin cho phía Nhật Bản về thái độ kiên quyết, nghiêm túc, cũng như tinh thần hợp tác cao nhất của Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống tham nhũng,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ.
 
Thông cáo báo chí cho biết, để làm rõ nghi vấn, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cá nhân có liên quan đến dự án (kể cả những người đã chuyển công tác), tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm trong thời gian tham gia tại dự án. “Ngay cả với các cán bộ nghỉ hưu có liên quan đến dự án này cũng phải giải trình. Tất cả các cá nhân có báo cáo hoàn thành trước ngày 31/3 tới đây,” Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.
 
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Thanh tra Bộ Giao thông vận tải thành lập các đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án mà JTC đã và đang tham gia, trước mắt là các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt. Cụ thể, Công ty JTC hiện là nhà thầu của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên (tuyến số 1), vốn vay ODA của Nhật Bản được chia làm 2 giai đoạn.

Để xác minh và làm rõ thông tin vụ việc, trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt tạm dừng giải ngân theo hợp đồng đã ký với JTC, đồng thời tạm dừng thương thảo tài chính hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2A đối với JTC.

 Ảnh minh họa

 Trưởng Ban Quản lý Dự án đường sắt Việt Nam vừa bị tạm dừng công tác do nghi vấn liên quan đến vụ nhận hối lộ của đơn vị tư vấn Nhật Bản. Ảnh: Internet

Trước đó, Nhật báo Yomiuri Shimbun hôm 21/3 đưa tin, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yên (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành Đường sắt các nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.

Theo lời khai của ông Kakinuma, JTC chi các khoản đút lót tương ứng với giá trị hợp đồng mà tập đoàn này nhận được. Cụ thể, họ đã lót tay khoảng 80 triệu yên (782.640 USD) cho các quan chức đường sắt Việt Nam trong dự án trị giá 4,2 tỉ yên (41 triệu USD), 30 triệu yên cho các quan chức phụ trách ba dự án trị giá 2,9 tỉ yên ở Indonesia và khoảng 20 triệu yên cho các quan chức có quyền quyết định dự án trị giá 700 triệu yên ở Uzbekistan.

JTC được cho là đã đút lót năm người, trong đó có một lãnh đạo thuộc văn phòng quản lý dự án tại Tổng cục Đường sắt Việt Nam, một lãnh đạo thuộc ban giám đốc ngành Đường sắt của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Indonesia và một lãnh đạo phụ trách dự án tại Tập đoàn đường sắt Temir Yollari của Uzbekistan. Song danh tính những người này không được tiết lộ.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, JTC có mặt ở hầu hết các dự án liên quan đến đường sắt như các dự án an toàn giao thông đường sắt Bắc-Nam, xử lý cầu yếu, dự án đường sắt đô thị và cả dự án nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Chủ đầu tư các dự án này đều là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
 
Cách đây vài năm, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây bị kết án 20 năm tù vì nhận hối lộ 262.000 USD từ quan chức Nhật Bản để Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI, trụ sở chính tại Nhật) thắng thầu dự án xây dựng tại đại lộ Võ Văn Kiệt năm 2008. Điều đáng nói là vụ việc cũng được Nhật báo Yomiuri  phát giác và đăng tải.

Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc