Tiểu thương Hà Nội bị "ép" không quay lại chợ

11:02, 01/12/2014
|

(VnMedia) - Trong kiến nghị gửi HĐND Thành phố nhân kỳ họp thứ 11 sẽ khai mạc vào ngày mai (2/11), cử tri quận Cầu Giấy đã “tố” tình trạng tiểu thương bị ép không quay lại được chợ sau khi cải tạo thành trung tâm thương mại…


>> 90 tuổi, chống gậy trắng đêm "giữ" chợ

 

Theo báo cáo của HĐND Thành phố về kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ 11 sẽ khai mạc vào ngày 2/11, một trong số rất nhiều vấn đề mà người dân đang bức xúc có liên quan đến chợ dân sinh.

 

Theo đó, “dự án chợ Trung Kính được chuyển thành Trung tâm thương mại; hiện nay các hộ tiểu thương trước đây kinh doanh tại chợ muốn quay lại kinh doanh phải nộp phí 5 triệu đồng/1m2/năm. Như vậy là Chủ dự án ép dân không vào được chợ để sử dụng vào mục đích khác. Đề nghị Thành phố kiểm tra, giải quyết.”


  Ảnh minh họa

 Chợ Trung Kinh đã bị phá đi để xây thành một tòa cao ốc

 

Tuy nhiên, theo trả lời của UBND Thành phố, trên địa bàn quận Cầu Giấy không có chợ Trung Kính được chuyển đổi thành Trung tâm thương mại mà hiện chỉ có 1 dự án đầu tư xây dựng chợ theo mô hình hỗn hợp là Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chợ Trung Hòa tại phường Trung Hòa do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao làm chủ đầu tư.

 

Về hồ sơ pháp lý, Theo UBND Thành phố, đây là chợ hạng 2, đã có Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 16/5/2014 của UBND quận Cầu Giấy về việc phê duyệt mức thu phí tại chợ Trung Hòa, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

 

Trong đó, mức thu phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh cố định là 237.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm cả thuế GTGT). Mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô; phí vệ sinh môi trường... thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước.

 

Ngoài ra, hiện tại, Chủ đầu tư - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao đang lập dự toán mức thu phí dịch vụ công tại chợ.

 

“Chợ Trung Hòa là chợ hạng 2, do UBND quận Cầu Giấy chịu trách nhiệm quản lý nhà nước toàn diện. Hiện nay, UBND quận Cầu Giấy đang chỉ đạo Chủ đầu tư phối hợp với UBND phường Trung Hòa tổ chức tiếp, đối thoại với hộ kinh doanh để giải quyết các vướng mắc liên quan đến bố trí chợ Trung Hòa, cũng như thỏa thuận về mức phí sử dụng dịch vụ.” - báo cáo của UBND Thành phố khẳng định.

Tuy nhiên theo tìm hiểu ban đầu của VnMedia, trên địa bàn quận Cầu Giấy có một chợ mang tên "chợ Trung Kính" và năm 2011, chợ này đã được phá đi để xây tòa cao ốc hơn 20 tầng.

VnMedia sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về tình trạng các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đang mất dần.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc