Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Báo chí góp phần tạo đồng thuận xã hội

07:25, 20/06/2015
|

(VnMedia) - Theo Thủ tướng, báo chí đã góp phần rất lớn trong việc tạo sự đồng thuận xã hội, phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống ...

>>
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia diễn đàn Kinh tế Biển

Chiều 19/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chúc mừng đội ngũ những người làm báo.

Phát biểu chào mừng tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ôn lại quá trình phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam từ thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh, đào tạo và xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam đến nay.

Theo Bộ trưởng, hiện cả nước có 849 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm; 66 Đài Phát thanh - Truyền hình với hơn 100 kệnh truyền hình, hơn 90 kênh phát thanh trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài phát tại Việt Nam. Ngoài ra, cả nước hiện có 98 báo chí điện tử, 250 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí, hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp.  

Tương ứng với hệ thống báo chí nêu trên, đội ngũ những người làm báo Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh. Hiện có hơn 3 vạn người đang làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó có hơn 20.000 trực tiếp là phóng viên, biên tập viên, 18.000 người đã được cấp thẻ nhà báo; hơn 95% những người làm báo có trình độ đại học, trên đại học. Không chỉ năng lực nghiệp vụ mà phẩm chất chính trị, đạo đức cũng ngày càng được nâng cao.  

 

  Ảnh minh họa

  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng đội ngũ những người làm báo nhân kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, với hệ thống và đội ngũ báo chí nêu trên, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu về thông tin, giải trí của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.  

"Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới nhất là tình hình Biển Đông hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang đi đầu trong công tác thông tin khẳng định cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với biển đảo của Tổ quốc", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo chí góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà báo lão thành; lãnh đạo các cơ quan báo chí; các nhà báo, cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí trong cả nước nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tự hào và đánh giá cao nền báo chí cách mạng và đội ngũ các nhà báo nhiều thế hệ đã luôn trung thành với sự nghiệp các mạng của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Theo Thủ tướng, đội ngũ những người làm báo đã luôn nỗ lực, lao động miệt mài, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, từ đó đóng góp quan trọng, to lớn vào thành tựu chung của đất nước.

Cùng với đó, báo chí và đội ngũ người làm báo Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh không ngừng cả về chính trị - tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật - công nghệ, hội nhập với báo chí quốc tế; gắn sự phát triển và trưởng thành của mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự phát triển đi lên của đất nước.

“Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

  Ảnh minh họa

 Thủ tướng chúc mừng những nhà báo lão thành cách mạng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong những năm qua, đất nước đạt nhiều thành tựu nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, phức tạp. Trong bối cảnh đó, báo chí đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Báo chí đã góp phần rất lớn tạo đồng thuận xã hội, phản ánh kịp thời những những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với tinh thần này, Thủ tướng mong muốn báo chí cả nước tiếp tục phát huy vai trò của mình, tiếp tục động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục phấn đấu, nỗ lực đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2015; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà báo chí đang phải đối mặt, đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí, các nhà báo cùng thảo luận, kiến nghị để Chính phủ xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí hiện nay.

“Tôi hoàn toàn chia sẻ báo chí hiện nay vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời vừa phải cạnh tranh trong cơ chế thị trường, tự tạo nguồn thu để tồn tại và phát triển. Tôi cũng chia sẻ việc các cơ quan quản lý vừa phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với báo chí, vừa phải đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền được thông tin của Nhân dân mà Hiến pháp đã quy định. Để giải quyết những thách thức này, tôi tin các đồng chí sẽ có được câu trả lời từ thực tiễn hoạt động của mình, từ đó kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước có các chủ trương, chính sách phù hợp để báo chí tiếp tục phát triển, lớn mạnh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn mỗi nhà báo luôn đề cao trách nhiệm và sứ mệnh của mình với xã hội, nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục chủ động và làm tốt việc cung cấp thông tin khách quan, nhanh chóng, chính xác, kịp thời cho báo chí về mọi mặt tình hình kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin và quyền được thông tin của người dân.

Liên quan vấn đề quy hoạch báo chí, Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch báo chí là để báo chí làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, để báo chí phát triển nhanh, vững chắc. Thủ tướng cho biết Đề án đã được Trung ương kết luận và giao Chính phủ triển khai.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Đề án đã trình Bộ Chính trị và Trung ương, với tinh thần dân chủ, đồng thuận cao, làm việc với từng cơ quan để đề xuất về nội dung, yêu cầu, cách làm và lộ trình thực hiện, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc