Quảng Bình đang nghiên cứu xây dựng cáp treo ở một số danh thắng!

17:09, 16/03/2017
|
(VnMedia)-  Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, địa phương này đang có chủ trương khảo sát để xây dựng cáp treo tại một số danh thắng và sẽ công bố chính thức sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc duyệt quy hoạch Phong Nha Kẻ Bàng.
 
Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình "Quảng Bình trong lòng Hà Nội", ông Nguyễn Hữu Hoài Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có những chia sẻ thú vị xung quanh việc tận dụng phim trường "Kong: Đảo đầu lâu", chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng liên quan đến du lịch tại địa phương này cũng như việc bảo vệ môi trường, xây dựng cáp treo tại một số danh thắng trên địa bàn. 
 
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
Tính từ khi đoàn làm phim Kong: Skull Island đến Quảng Bình quay phim cũng đã được một năm, vậy phim trường này còn được giữ không để Quảng Bình mở tour thăm quan phim trường như thông báo?
 
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Phim trường Kong: Skull Island đang được bảo tồn và giao cho Sở Du lịch quản  lý. Nếu khách đến tham quan phim trường, chúng tôi sẵn sàng đưa đến phim trường.
 
Vậy kế hoạch tiếp theo trong việc tận dụng phim trường này như thế nào?
 
Hiện, Quảng Bình có nhiều tour trong đó có giao cho một đơn vị là công ty lữ hành Oxalis trực tiếp đưa du khách đến xem phim trường Kong. Còn trong nước thì có sự phối hợp của các công ty lữ hành trong nước, kể cả Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
 
Những chính sách thu hút thêm nhiều dự án phim lớn đến quay tại Quảng Bình và biến Quảng Bình như một phim trường lớn như cách mà Campuchia đã làm?
 
Thực ra, Quảng Bình chưa có chính sách gì cả, chỉ thống nhất quan điểm là tạo điều kiện tối đa cũng như kêu gọi các đoàn làm phim đến quay phim tại Quảng Bình.  Vì Quảng Bình là tỉnh nghèo nên những chính sách hỗ trợ về kinh tế là rất khó. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, những ai đến với Quảng Bình chúng tôi sẽ dùng tấm lòng, tình cảm và sự nhiệt tình để hỗ trợ họ tối đa.  
 
Vậy sự chuẩn bị của Quảng Bình như thế nào khi lượng khách đến gia tăng?
 
Hiện, Quảng Bình đã chuẩn bị khá tốt việc này. Về các điểm lưu trú và nghỉ dưỡng, ăn uống Quảng Bình có thể đáp ứng đầy đủ và thậm chí chất lượng cao hơn. Tính đến hè 2017, số lượng phòng tại Quảng Bình tăng thêm 1.500 phòng, đưa tổng số phòng nghỉ ở Quảng Bình cho du khách lên khoảng 9.500 phòng.
 
Ngoài việc quảng bá du lịch Quảng Bình trong nước, chúng tôi còn quảng bá trên trang du lịch Tripadvisor, một trang quảng bá về du lịch lớn nhất trên thế giới.
 
Quảng Bình có chính sách hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp khi hoạt động du lịch trên địa bàn?
 
Về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chúng tôi không có chính sách hỗ trợ mà tỉnh chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư cho du lịch trên địa bàn tỉnh như nhà hàng, khách sạn... tỉnh hỗ trợ mua hàng rào, điện, nước... cho dự án. Hỗ trợ của tỉnh theo các mức đầu tư của doanh nghiệp, ví dụ doanh nghiệp đầu tư xây dựng 100 phòng có hỗ trợ khách với đầu tư 1000 phòng. Nhà hàng thì hỗ trợ dựa trên quy mô đầu tư. Tất nhiên là việc hỗ trợ này chỉ là hỗ trợ nhỏ để kích thích đầu tư trên địa bàn. Vấn đề quan trọng nhất là tỉnh luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp trong quá trình khai thác và sử dụng các dự án du lịch.
 
Khi quảng bá đầu tư, Quảng Bình có cách nào để bảo tồn các di sản của địa phương?
 
Bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch chúng tôi đã chú trọng từ năm 2016 khi mà sự cố môi trường biển do Fosmosa gây ra càng cảnh báo chúng tôi. Do vậy, trong quá trình kêu gọi đầu tư các dự án du lịch nói riêng cũng như các dự án nói chung chúng tôi thực hiện theo phân vùng quy hoạch chung chứ không phải nhà đầu tư muốn đến đâu cũng được. Việc kêu gọi đầu tư là trên tinh thần bảo tồn và phát huy có nghĩa đảm bảo được 2 yếu tố: bảo vệ được thiên nhiên, môi trường đồng thời cũng phát huy được việc đưa những vùng có tiềm năng phát triển du lịch để phát triển, góp phần xóa nghèo, tăng nguồn thu của tỉnh và góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Chúng tôi cho rằng phát triển du lịch là một ngành mũi nhọn từ 2014, 2015. Chính vì vậy khi các dự án đến chúng tôi làm rất kỹ từ nội dung, quy mô của dự án và có sự quản lý rất chặt chẽ để đảm bảo dự án được thuận lợi trong quá trình triển khai cũng như kiểm soát được môi trường.
 
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng vấn đề phát triển du lịch, kinh tế xã hội tại Quảng Bình không phải là vấn đề nóng nữa. Đúng là cách đây 2 năm chúng tôi coi đây là vấn đề nóng, cần phát triển nhanh nhưng khi sự cố Fosmosa xảy ra, đây là bài học xương máu và chúng tôi thấy rằng trong vấn đề phát triển, không nhất thiết là phải phát triển nóng mà với xu thế hội nhập của cả nước và thế giới thì chắc chắn du lịch Quảng Bình sẽ phát triển. Chính vì thế hiện chúng tôi không vội mà chỉ tập trung vào một số vùng, một số nơi và một số người, còn lại phải bảo vệ môi trường.
 
Vậy việc xây dựng cáp treo  ở một số danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thì sao, thưa ông?
 
Chúng tôi cho rằng việc xây dựng cáp treo cũng là bình thường. Trong phát triển du lịch cần đa dạng, đúng là có những nơi không nhất thiết phải có cáp treo, nhưng tại những nơi thuận lợi cũng có thể làm cáp treo. Cần phải nói rằng, không phải cáp treo là gây ô nhiễm môi trường hay không làm cáp treo lại tốt. Vấn đề ở chỗ là vừa tăng số lượng khách lên những vẫn phải đảm bảo về môi trường. Chính vì thế việc xây dựng cáp treo là không cấm, nhưng xây dựng thế nào để đảm bảo môi trường mới là vấn đề mấu chốt. Nếu xây dựng cáp treo chúng tôi sẽ có định hướng cụ thể, có nghiên cứu về tác động đến môi trường và những cách làm ít ảnh hưởng nhất đến môi trường đồng thời đảm bảo cho việc phục vụ du khách, phục vụ cho nhu cầu có việc làm của người dân, cũng như đảm bảo được thu nhập.
 
Quảng Bình đã tính toán để xây dựng cáp treo ở những khu vực nào?
 
Hiện về phía tỉnh đang có chủ trương khảo sát để xây dựng cáp treo. Hiện trong quy hoạch Phong Nha Kẻ Bàng, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch để xây dựng. Sau khi Thủ tướng duyệt quy hoạch chúng tôi sẽ công bố có làm cáp treo không, làm chỗ nào, dài mấy km, đi từ điểm nào đến điểm nào.
 
Lam Nguyên (ghi)

Ý kiến bạn đọc