Cổ phiếu giá rẻ liên tục thua lỗ: Những kịch bản đã được báo trước

06:51, 26/04/2017
|

(VnMedia) – Hàng loạt cổ phiếu có mệnh giá chỉ vài nghìn đồng đã bị đưa vào diện cảnh báo, thậm chí là hạn chế giao dịch do thua lỗ triền miên.

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa đưa một loạt cổ phiếu niêm yết trên sàn vào diện cảnh báo, kiểm soát do nhận được báo cáo tài chính với âm khá lớn. Đây được xem là kịch bản được nhiều người biết trước, khi đối chiếu với những quy định bắt buộc đối với công ty niêm yết.

Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã đưa cổ phiếu OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương vào diện kiểm soát từ ngày 21/4.

Thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 của công ty là âm 1.780 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2016 là âm 728 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 là âm 2.480 tỷ đồng.

Với mức thua lỗ này, theo quy chế hiện hành, cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát giao dịch.

Nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện kiểm soát, cảnh báo do thua lỗ. Ảnh minh họa
Nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện kiểm soát, cảnh báo do thua lỗ. Ảnh minh họa

Thông báo của HOSE cho biết thêm, cổ phiếu OGC sẽ bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch phiên chiều kể từ 21/4/2017. Căn cứ vào giải trình của công ty, HOSE sẽ thông báo đưa cổ phiếu được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng cổ phiếu bị kiểm soát.

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua (25/4), cổ phiếu OGC chỉ có giá 1.180 đồng/cổ phiếu. Trong nhiều tháng qua, cổ phiếu này luôn nằm ở mức giá dưới 2 nghìn đồng/cổ phiếu.

Một cổ phiếu cũng bị đưa vào diện kiểm soát là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (mã chứng khoán: PTL) bị vào diện kiểm soát kể từ ngày 20/4/2017.

Căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của PTL, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là âm 143,62 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tại Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 là 1,03 tỷ đồng và có ý kiến ngoại trừ dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2016 chưa đảm bảo khả năng có lãi.

Dựa vào những quy định hiện hành, cổ phiếu PTL bị hạn chế thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch) kể từ ngày 20/4/2017.

Theo dõi thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua có thể thấy, cổ phiếu PTL liên tục giao dịch ở mức giá khá thấp. Chốt phiên giao dịch ngày 25/4, PTL chỉ niêm yết ở mức 2.470 đồng/cổ phiếu.

Khác với các cổ phiếu trên, Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam (mã chứng khoán: VHG) bị Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 21/4/2017.

Nguyên nhân do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 là âm 32,53 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định hiện hành.

Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam chuyên sản xuất dây cáp các loại; Sản xuất cáp sợi quang học; Sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện khác; Sản xuất các thiết bị điện thoại; Thủy điện, sản xuất điện khác (điện phong…).

Với kết quả kinh doanh kém hiệu quả, cổ phiếu VHG liên tục rơi xuống mức thấp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, VHG đang giữ ở mức giá chỉ 2.280 đồng/cổ phiếu.

Cũng với lý do thua lỗ, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (mã chứng khoán: PTC) vẫn tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo.

Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-SGDHCM chuyển cổ phiếu PTC của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 6/9/2016 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2016 là 52,533 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2016 là âm 0,956 tỷ đồng, căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2016, được chuyển từ diện chứng khoán bị kiểm soát sang diện cảnh báo.

Ngày 10/4 vừa qua, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã nhận được BCTC Hợp nhất kiểm toán năm 2016 của PTC.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 là 22,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2016 là âm 31,3 tỷ đồng và ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các công ty con là Công ty Cổ phần Xây lắp Bưu điện Miền Trung và Công ty con Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly, liên quan đến khoản trích lập dự phòng công nợ phải thu, chi vượt Quỹ khen thưởng, phúc lợi và phân bổ phí cấp quyền khoán sản trong khi bản chất đây là khoản chi phí đã phát sinh trong các kỳ trước không phải chi phí cần phần bổ trong các kỳ tiếp theo.

Như vậy, cổ phiếu PTC vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2016 là số âm.

Với tình trạng trên, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu PTC, việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu PTC sẽ căn cứ vào Báo cáo tài chính Hợp nhất soát xét bán niên năm 2017 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện.

Chốt phiên giao dịch ngày 25/4, cổ phiếu PTC cũng chỉ niêm yết ở mức 6.140 đồng/cổ phiếu.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc