Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khó khăn

13:58, 12/04/2017
|
(VnMedia) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Tăng trưởng quý I đạt thấp, nên muốn đạt chỉ tiêu 6,7% thì 9 tháng còn lại phải tăng 7% và đây là một vấn đề không nhỏ trong điều hành vĩ mô.
 
Kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng
 
Tại Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý I, kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, tuy có thấp hơn cùng kỳ nhưng duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chịu trước những biến động của thế giới.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến tình hình xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm là khá lành mạnh, phù hợp với tình hình thị trường và chu kỳ xuất, nhập khẩu.
 
Theo đó, tình hình xuất khẩu quý I là rất khả quan, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43,73 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,6%), cao nhất trong một số năm gần đây và gấp đôi mục tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch là 6 - 7%).
 
Tuy nhiên, nhập khẩu cũng tăng mạnh. Tổng kim ngạch nhập khẩu quý I ước đạt 45,63 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ giảm 4,4%). Điều này dẫn tới nhập siêu khoảng 1,9 tỷ USD, bằng 4,3% kim ngạch xuất khẩu (cao hơn mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là 3,5%).
 
Kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Ảnh minh họa
Kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Ảnh minh họa
 
Mặc dù vậy, nhập khẩu tăng chủ yếu ở nhóm hàng phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên, nhiên liệu... Do là thời điểm đầu năm nên các doanh nghiệp thường bắt đầu vào chu kỳ sản xuất mới, dẫn tới đẩy mạnh nhập khẩu. Đáng lưu ý là sự gia tăng của nhóm hàng hóa nhập khẩu từ các nước có cam kết FTA như: rau quả, thủy hải sản, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ..., cần phải có sự theo dõi chặt chẽ và nghiên cứu giải pháp phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước.
 
Riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển doanh nghiệp trong quý I tiếp tục có nhiều khởi sắc.
 
Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức
 
Đưa ra dự báo tình hình kinh tế trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. 
 
“Tăng trưởng quý I đạt thấp, nên muốn đạt chỉ tiêu 6,7%, nên 9 tháng còn lại phải tăng 7% và đây là một thách thức không nhỏ trong điều hành vĩ mô”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng (FDI) với con số ấn tượng, nhưng kết quả giải ngân các dự án FDI lại không tương ứng, chỉ đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ở trong nước số doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng so với cùng kỳ thì thấp hơn cả tỷ lệ tăng và số vốn đăng ký. Nhập khẩu tăng kéo nhập siêu cao, nếu cứ tiếp tục xu hướng gia tăng này thì sẽ là vấn đề lớn. Lạm phát bình quân quý I vẫn còn cao hơn mức kế hoạch, đòi hỏi công tác theo dõi và điều hành giá đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục phải chặt chẽ, thận trọng và kịp thời.
 
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc FED tăng lãi suất trong tháng 3 vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017 trước mắt tỷ giá chưa chịu áp lực. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất đến mức 3%, đồng tiền các nước sẽ liên tục giảm giá so với đồng Việt Nam thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, gián tiếp tác động đến tỷ giá, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, nợ công, kiều hối... ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả trong nước. 
 
“Việc FED thực hiện chu kỳ tăng lãi suất sẽ có tác động nhiều chiều, theo nhiều kênh đến nền kinh tế nước ta. Đợt tăng lãi suất vừa qua tuy chưa có tác động lớn, nhưng với lộ trình tăng dự kiến chắc chắn sẽ có tác động nhất định”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
 
Do vậy, để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thực hiện các giải pháp kiên định điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt; kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
 
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản. Chủ động nghiên cứu các kịch bản điều chỉnh hợp lý lãi suất tiền gửi USD trên cơ sở theo dõi chặt chẽ tác động của lộ trình FED tăng lãi suất nhằm mục tiêu hạn chế nguy cơ dòng tiền ngoại tệ chảy ra khỏi nền kinh tế.
 
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu một số mặt hàng từ khu vực ASEAN, hiện đang có chiều hướng tăng lên như: ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ Thái Lan, Indonesia; mặt hàng rau quả từ Thái Lan… để có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước, giảm mất cân đối thương mại với thị trường ASEAN, góp phần giảm nhập siêu.
 
Riêng đối với đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, nhất là vốn FDI, hiện nay vốn đăng ký đang tăng mạnh, nhưng để hiện thực hóa phần vốn này, các Bộ, ngành và địa phương cần bám sát các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các dự án sớm đi vào thực hiện, tăng nhanh hơn tốc độ giải ngân các nguồn vốn này.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc