Ngân hàng tăng tỷ giá VND/USD: Sẽ còn áp lực biến động

07:58, 13/04/2017
|

(VnMedia) - Tỷ giá trong năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro.  Tình trạng nhập siêu gia tăng mạnh trở lại là rủi ro rất đáng chú ý. Cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2017 được dự báo cũng khó có thể đạt mức thặng dư cao như năm 2016. 

Ngày 11/4, Sở Giao dịch NHNN đã quyết định tăng tỷ giá mua vào từ mức 22.575 đồng/USD lên mức 22.675 đồng/USD (tỷ giá giao dịch giữa NHNN với các TCTD), tăng 100 VND. Lần điều chỉnh tỷ giá mua vào gần nhất của NHNN diễn ra ngày 9/1/2017.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ngày 12/4 tiếp tục duy trì ở mức 22.675 đồng/USDchiều mua vào và 22.971 đồng/USD chiều bán ra.

Đây là lần thứ hai trong năm 2017, NHNN đã điều chỉnh chặn đà rơi của cặp tỷ giá này. Trước đó, ngày 9/1/2017, NHNN đã phải nâng mạnh giá mua vào từ 22.300 đồng lên 22.575 đồng.

Sau mức điều chỉnh của NHNN, tỷ giá USD/VND giao dịch với mức bán ra phổ biến là 22.630 đồng - 22.700 đồng/USD (mua và – bán ra).

Trước đó, tỷ giá trên interbank đã có một loạt các phiên giao dịch điều chỉnh giảm từ mức 22.900 xuống quanh mức 22.600 đồng/USD khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4. Mức giá 22.675 đồng/USD được xem là giá sàn hay ngưỡng hỗ trợ mạnh trên thị trường ngoại hối hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái này tạo đà chốt chặn trước đà rơi sâu của tỷ giá USD/VND diễn ra từ cuối tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, xét về tổng thể, NHNN vẫn đang kiểm soát được mục tiêu đã đề ra, trong đó có việc điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành tỷ giá còn nhiều áp lực

Nhận định về tình hình điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 3 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. 

Theo đó, NHNN điều hành thị trường mở linh hoạt, kịp thời để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo nguồn vốn cho các TCTD đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ ổn định lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành, thị trường tiền tệ diễn biến ổn định, thanh khoản VND của các TCTD được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân

Việc điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm và điều tiết VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá đã giúp tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần và từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cặp tỷ giá USD/VND vẫn còn chịu nhiều áp lực trong năm nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Báo cáo chiến lược quý I/2017 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây đã nhận định, tỷ giá USD/VND vẫn đối mặt với nhiều rủi ro trong năm 2017. 

Trong quý 1/2017, diễn biến tỷ giá USD/VND nhìn chung tương đối bình ổn. So với thời điểm cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố vào thời điểm cuối tháng Ba có mức tăng khoảng 0,5% trong khi tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại tăng nhẹ 0,02%. 

Cũng có một vài thời điểm tỷ giá tăng khá mạnh (tuần cuối tháng Hai, đầu tháng Ba), nhưng đợt tăng chỉ diễn ra trong vài ngày và nhanh chóng hạ nhiệt. 

BVSC cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có chiều hướng tăng nhẹ trong quý vừa qua.

Thứ nhất, đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng giảm mạnh trong quý I. Chỉ số Đô la Index đã giảm 2,3%, trong đó giảm mạnh nhất là so với JPY (-5,2%), tiếp đến là EUR (-1,9%) và CNY (-1%). Đây cũng là diễn biến khá bất ngờ xét trong bối cảnh FED vẫn đang trong tiến trình tăng dần lãi suất (đã tăng thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách tháng Ba) trong khi ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Do VND “neo” chủ yếu vào đồng USD nên khi USD giảm cũng đồng nghĩa với việc VND mất giá so với phần lớn các đồng tiền còn lại trong rổ tính tỷ giá trung tâm. Điều này dẫn đến tỷ giá trung tâm có xu hướng tăng nhẹ trong quý I, BVSC cho biết. 

Nguyên nhân thứ hai là do cán cân thương mại đã chuyển sang trạng thái nhập siêu vào đầu năm nay. Cụ thể, trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu 1,9 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 776 triệu USD. 

Nhập siêu gia tăng mạnh trong quý I chủ yếu do tốc độ tăng của nhập khẩu (22,4%) cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu (12,8%). Những thông tin liên quan đến nhập siêu đã gây sức ép nhất định, khiến tỷ giá có biến động tương đối lớn tại một số thời điểm.

Cũng theo các chuyên gia phân tích của BVSC, tỷ giá trong năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.

Ngoài ra, tình trạng nhập siêu gia tăng mạnh trở lại là rủi ro rất đáng chú ý. Cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2017 được dự báo cũng khó có thể đạt mức thặng dư cao như năm 2016. 

Theo quy luật một số năm gần đây, tỷ giá thường chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động (FED dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay và ít nhất ba lần nữa trong năm 2018) cùng cộng hưởng tại một thời điểm. 

Do vậy, BVSC dự đoán, tỷ giá USD/VND sẽ có biến động mạnh hơn trong các quý tới với mức mất giá của VND so với USD trong cả năm nay sẽ xoay quanh mức 3%.

Đinh Bách


Ý kiến bạn đọc