Ngân hàng Thế giới lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

10:04, 14/04/2017
|
(VnMedia) - Theo Ngân hàng Thế giới, triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. 
 
Lạm phát bắt đầu tăng dần trở lại
 
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, hoạt động kinh tế ở Việt Nam đã chững lại trong năm 2016. GDP ước tăng 6,2%, thấp hơn so với mức 6,8% của năm 2015. Nguyên nhân tăng chững lại trong năm qua là do, sụt giảm trong các ngành nông nghiệp và khai khoáng, trong khi sản lượng chế tạo chế biến và dịch vụ tăng trưởng tốt. 
 
Ngân hàng Thế giới cho biết, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục phát triển tạo điều cải thiện tổng phúc lợi và tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm. Gần một triệu người dân rời nông thôn để tìm kiếm việc làm, chủ yếu trong các ngành công nghiệp và xây dựng, với tốc độ tăng trưởng ngành là 7,6% so với cùng kỳ năm trước, và một phần trong các ngành dịch vụ.
 
Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế được duy trì với mức lạm phát vừa phải và tình hình kinh tế đối ngoại đang vững lên. Lạm phát sau khi giảm xuống mức kỷ lục năm 2015 đã tăng dần trở lại, chủ yếu do các đợt tăng học phí và dịch vu y tế của nhà nước, nhưng lạm phát lõi vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung nằm dưới chỉ tiêu chính thức là 5%. 
 
Hiện triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Ảnh minh họa
Hiện triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Ảnh minh họa
Số liệu do Ngân hàng Thế giới cung cấp cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (theo giá hiện hành) tăng trưởng 9% năm 2016, cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Tăng trưởng xuất khẩu, kết hợp với nhập khẩu chững lại, dẫn đến thặng dư thương mại, khiến cho thặng dư tài khoản thanh toan vãng lai tăng từ 0,5% GDP năm 2015 lên hơn 3% năm 2016. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực chính về tăng trưởng kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục năm 2016 ở mức gần 16 tỷ USD (7,7% GDP).
 
Một điểm đáng chú ý cũng được Ngân hàng thế giới đưa ra là, tỷ giá năm qua tương đối ổn định, mặc dù đồng Việt Nam bắt đầu có hiện tượng mất giá vào cuối năm 2016. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng bước khôi phục được dự trữ ngoại hối, mặc dù vẫn ở mức tương đối thấp khoảng 2,8 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2016. 
 
Mặc dù lãi suất chính sách vẫn không thay đổi, tăng trưởng tín dụng vẫn tăng cao. Tăng trưởng tín dụng lên đến khoảng 19% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2016. Tốc độ tăng tín dụng - trên gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá hiện hành) - cho thấy có lý do cần quan ngại, đặc biệt vì tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam – trên dưới 120% vào tháng 12/2016 - hiện đã rất cao trong khi áp lực nợ xấu trong quá khứ còn chưa được giải tỏa đủ. 
 
Ngoài ra, bội chi ngân sách cao và kéo dài trong những năm qua. Bội chi ngân sách bình quân ở mức 5,5% GDP trong giai đoạn 2011 - 2016, so với 2,2% GDP trong giai đoạn 2006 - 2010. 
 
Số liệu sơ bộ cho thấy, ngân sách vẫn tiếp tục chịu áp lực trong năm 2016, với mức bội chi ước tính khoảng 6,5% GDP (bao gồm cả các khoản chi ngoài ngân sách). Bội chi ngân sách cao và kéo dài là lý do chính khiến cho nợ công tăng lên, dự kiến sẽ chạm mức trần quy định là 65% GDP vào cuối năm 2016.
 
Tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019
 
Cũng theo Ngân hàng thế giới, hiện triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Áp lực lạm phát nhìn chung ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu đang giảm. 
 
Về ngân sách, Ngân hàng thế giới cũng cho biết, tình hình ngân sách sẽ được củng cố phần nào trong thời gian tới, bên cạnh đó quá trình thoái vốn sẽ tăng nhanh, nhưng sẽ được triển khai dần dần nhằm kiềm chế tăng nợ công. 
 
Bên cạnh những triển vọng, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức.
 
“Triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực, nhưng những rủi ro đã biết vẫn còn đó. Nhìn từ trong nước, chậm trễ trong triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng”, Ngân hàng Thế giới cho hay.
 
Theo Ngân hàng Thế giới, việc kinh tế thế giới biến động mạnh ,có thể tác động qua các kênh thương mại và đầu tư khiến cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ảm đạm hơn. Xử lý khả năng dễ tổn thương với các cú sốc -  về thiên tai, môi trường và khí hậu trong những năm gần đây -  vẫn là một thách thức trong cải thiện phúc lợi hộ gia đình, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc