APEC 2017: Kỳ vọng hàng tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam

10:28, 23/05/2017
|
(VnMedia) - Với sự hội tụ của các nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia… cùng hơn 1.000 doanh nghiệp quốc tế thuộc các thành viên APEC đến Việt Nam trong dịp diễn ra sự kiện APEC 2017 hy vọng sẽ mang lại hàng tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
 
Với hơn 200 sự kiện lớn nhỏ, 8 Hội nghị Bộ trưởng, cấp Bộ trưởng, tương đương Bộ trưởng và đặc biệt là sự kiện được mong chờ nhất với phía doanh nghiệp là Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng tháng 11 tới, APEC 2017 sẽ luôn có các hoạt động tương tác gần gũi, thiết thực giữa doanh nghiệp với các quan chức cao cấp, các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước. 
 
Sau Hội nghị lần thứ hai các quan chức cấp cao APEC (SOM 2) diễn ra từ ngày 9 - 21/5 tại Hà Nội. Với quyết tâm tổ chức thành công SOM 2 tạo tiền đề thuận lợi hướng tới tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng tháng 11 tới, nước chủ nhà Việt Nam cùng các nền kinh tế thành viên APEC đã triển khai quá trình cụ thể hóa bốn ưu tiên trọng tâm của năm APEC 2017 thành các văn kiện, tài liệu, dự án, từ đó thúc đẩy hợp tác APEC trong những năm tới.
 
Hội nghị SOM 2 có sự tham dự của gần 2.000 đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Ban Thư ký ASEAN...và một số tổ chức quốc tế cùng đại diện giới doanh nghiệp, học giả trong khu vực và rất nhiều phóng viên trong nước và ngoài nước đăng ký tham gia đưa tin các sự kiện liên quan đến SOM 2. Với 49 cuộc họp, hội thảo, đối thoại, các đại biểu APEC sẽ tham dự, thảo luận những vấn đề thực chất và sẽ triển khai giữa các nền kinh tế thành viên.
 
Các hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế và các Bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC

Với sự hội tụ của các nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia… cùng hơn 1.000 doanh nghiệp quốc tế thuộc các thành viên APEC đến Việt Nam trong dịp diễn ra sự kiện APEC 2017 hy vọng sẽ mang lại hàng tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ tính riêng trong Quý I/2017, cả nước có 493 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng 206,4% so với cùng kỳ năm 2016 và 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ năm 2016. 
 
Tính chung tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Về đối tác đầu tư, trong Quý I/2017 có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó các nước thành viên APEC đều giữ vị trí hàng đầu, bao gồm Hàn Quốc đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 910,8 triệu USD, chiếm 11,81% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký là 823,6 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
 
Việt Nam có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, có quan hệ kinh tế với tất cả các thành viên APEC. Dân số Việt Nam hiện nay khoảng trên 90 triệu người, mức tăng dân số trung bình hàng năm khoảng 1 triệu người.
 
Trong tương lai không xa Việt Nam sẽ có dân số 100 triệu dân, cơ cấu dân số của Việt Nam là cơ cấu dân số trẻ, cơ cấu dân số vàng; giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; sức mua của nền kinh tế ngày càng tăng, với GDP bình quân đầu người năm 2016 ước đạt hơn 2.200 USD.
 
Đặc biệt là các điểm sáng trong việc thu hút FDI bao gồm 3 lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản và khoa học công nghệ. Đây là những lĩnh vực đứng đầu trong thu hút vốn đầu tư năm 2016 vì trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì Việt Nam có ưu điểm về đất đai xây dựng nhà máy, khu công nghiệp và nguồn lao động dồi dào; lĩnh vực bất động sản thu hút nhiều chủ đầu tư nước ngoài giúp thị trường này phục hồi trở lại và nhiều hạng mục dự án chất lượng; lĩnh vực khoa học công nghệ cũng là một ưu tiên phát triển của Nhà nước và nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam thực sự không thua kém gì các quốc gia khác.
 
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn và kiểm soát tốt lạm phát. Có thể nói, Việt Nam là một thị trường hết sức rộng lớn và phong phú, có rất nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng và lợi thế rất lớn cho các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại cho các doanh nghiệp nước ngoài. Việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 không chỉ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới mà còn đóng góp không nhỏ vào việc tăng trưởng nền kinh tế trong tương lai.
 
Tiến Nguyễn

Ý kiến bạn đọc