Bán hàng điện tử xuyên biên giới: Điểm yếu của doanh nghiệp Việt

06:55, 17/05/2017
|
(VnMedia) -  Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (ECOMVIET) - Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong vài năm trở lại đây, hình thức bán hàng điện tử xuyên biên giới đã được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, khả năng khai thác mô hình này vẫn còn rất hạn chế.
 
Ngày 16/5, Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) đã tổ Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017. Tại đây những vấn đề liên quan đến xu hướng bán hàng trực tuyến đã được nhiều người quan tâm.
 
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có kỹ năng bán hàng điện tử
 
Trả lời câu hỏi PV bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (ECOMVIET) - Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương chia sẻ, dựa trên khảo sát của Cục, Việt Nam hiện có tới hơn 50% dân số sử dụng Internet. Đây được xem là con số khá tích cực và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển kinh doanh trực tuyến. 
 
Liên quan đến xuất khẩu trực tuyến, ông Minh cũng cho biết, hiện nay, xuất khẩu trực tuyến được thể hiện qua hai kênh chính. Trong đó, các kênh truyền thống hiện vẫn được nhiều doanh nghiệp thực hiện và tìm các đối tác thêm ở nước ngoài thông qua kênh trực tuyến, sàn giao dịch điện tử. Tại đây, các đơn vị có thể tìm đối tác, đưa hàng hóa của doanh nghiệp mình sản xuất ra thị trường nước ngoài. 
 
Kênh thứ 2 cũng được ông Minh chia sẻ là, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thông qua bán hàng điện tử trực tiếp đến tay người tiêu, hay chúng ta còn gọi là môi hình bán hàng điện tử xuyên biên giới. “Đặc điểm gần tương tự như bán lẻ, tuy nhiên đối tượng nhắm đến là doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng là người nước ngoài”, ông Minh giải thích.
 
Theo đại diện Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong những năm gần đây đã có một vài danh nghiệp quan tâm đến mô hình bán hàng này, tuy nhiên khả năng khai thác còn rất hạn chế. 
 
Mua hàng online đang trở thành xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh minh họa
Mua hàng online đang trở thành xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh minh họa
Đưa ra những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hình thức bán hàng xuyên biên giới, ông Minh cho biết, hiện doanh nghiệp Việt vẫn chưa có kỹ năng tốt để có thể bán hàng trên các kênh xuất khẩu trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng nước ngoài. 
 
Cũng theo đại diện Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, một trong những kỹ năng mà họ phải nắm bắt là sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý cung cấp. 
 
Một khảo sát của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đưa ra, hiện vẫn còn nhiều trở ngại đối với dịch vụ công, đó là các doanh nghiệp chưa có kỹ năng sử dụng các dịch vụ này. Cùng với đó, chất lượng do cơ quan Nhà nước cung cấp do tính ổn định chưa cao. “Thông qua hai thách thức này đã gợi ý cho các cơ quan lý Nhà nước và cơ quan cung cấp dịch vụ phải cố gắng tuyên truyền, hoặc tập huấn những kỹ năng tốt về sử dụng dịch vụ vụ công…”, ông Minh chia sẻ.
 
Trả lời câu hỏi về những lưu ý khi doanh nghiệp Việt Nam có ý định tham gia xuất khẩu trực tuyến, ông Minh cho rằng, một trong những chú ý khi tham gia xuất khẩu trực tuyến là tính xác thực thông tin, cũng như mức độ uy tín của đối tác. 
 
Theo ông Minh, đối với xuất khẩu truyền thống thì việc xác thực đối tác là khá dễ dàng. Tuy nhiên, xuất khẩu trực tuyến các doanh nghiệp sẽ không biết đối tác giao dịch với chúng ta là ai, mức độ uy tín như thế nào. Do đó, doanh nghiệp cần phải quan tâm đối xác định đối tác để tránh tình trạng bị lừa đảo.
 
Riêng đối với doanh nghiệp bán lẻ, đại diện Bộ Công Thương cũng chia sẻ, các đơn vị có thể sử dụng phương pháp bán hàng xuyên biên giới thông qua các sàn giao dịch điện tử lớn như Amazon…, bởi đây là kênh uy tín, và có lượng người tham gia mua bán lớn. Tuy nhiên, để thành công trên kênh bán hàng này, công ty phải tìm những kỹ năng mới để có thể tiếp cận thành công.
 
Dịch vụ công trực tuyến giảm tải thời gian cho doanh nghiệp
 
Chia sẻ về dịch vụ công hỗ trợ xuất nhập khẩu trực tuyến hiện nay, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết, kế hoạch đề ra đến năm 2018 là thực hiện cung cấp các chứng từ điện tử C/O và chứng nhận kiểm dịch động thực vật. Triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh. Phấn đấu đến 2020, thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN. 
 
Trong khi đó, chia sẻ về hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại diện Công ty phát triển công nghệ Thái Sơn nói, công cụ này đã làm thủ tục được rút ngắn 15- 30% hoặc nhiều hơn tuỳ lĩnh vực. Riêng lĩnh vực làm thủ tục tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của cơ quan hải quan giảm hơn 90% thời gian khi thực hiện qua hệ thống NSW.
 
Về nhân lực, đại diện công ty này cũng cho biết, giúp doanh nghiệp sử dụng hợp lí, hiệu quả nguồn nhân lực. Với việc không phải thực hiện thủ tục hành chính ở nhiều đầu mối, nhiều công đoạn như trước mà sử dụng phương thức nộp hồ sơ, thông tin ở dạng điện tử sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm được rất nhiều chi phí về nhân lực.
 
Đặc biệt sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ và thông tin đã được chuẩn hóa tại một đầu mối để thực hiện tất cả các quy định của cơ quan quản lí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Các thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống trực tuyến giúp minh bách hóa thông tin về quy trình thực hiên cũng như kết quả xử lý.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc