Giá USD và vàng được dự báo sẽ tăng

06:55, 08/05/2017
|

(VnMedia) - Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm nay. Cùng với đó, giá vàng trên thị trường thế giới cũng trên đà tăng trước một số nhân tố bất ổn như chính sách điều hành kinh tế khó dự đoán của Tổng thống Mỹ, biến động chính trị tại Hàn Quốc, tiến trình đàm phán Brexit của Anh và EU, bầu cử tổng thống Pháp...

Thị trường tài chính tiền tệ có xu hướng tăng

Theo Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2017 và kịch bản, phương án và các giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý II, III, IV và cả năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội thời gian vừa qua đã có nhiều cải thiện.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tiếp tục được kiểm soát, CPI tháng 4 không thay đổi so với tháng 3.

Đặc biệt, tình hình sản xuất, kinh doanh đã có một số chuyển biến tích cực so với quý I. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 22,9% về doanh nghiệp và tăng 52,8% về vốn).

Đồng USD và vàng dự báo sẽ tăng giá trở lại trong năm nay. Ảnh minh họa
Đồng USD và vàng dự báo sẽ tăng giá trở lại trong năm nay. Ảnh minh họa

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm 2017 cho đến nay nhìn chung là có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là về khả năng phục hồi về tăng trưởng, thương mại và giá cả các mặt hàng cơ bản.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo, thị trường tài chính tiền tệ và giá một số loại hàng hóa đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, đồng USD được dự báo sẽ tăng giá trở lại trong năm nay. Cùng với đó, giá vàng trên thị trường thế giới cũng trên đà tăng và thị trường hàng hoá vẫn chịu tác động của một số nhân tố bất ổn như: chính sách điều hành kinh tế khó dự đoán của Tổng thống Mỹ, biến động chính trị tại Hàn Quốc, tiến trình đàm phán Brexit của Anh và EU, bầu cử tổng thống Pháp,...

“Yếu tố tích cực của kinh tế thế giới chỉ là trong ngắn hạn.Về dài hạn, xu thế phát triển của kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, bất định và phức tạp, tạo ra sự khó đoán định. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế đang phát triển và tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có Việt Nam, cần dự tính các phương án kịch bản để có giải pháp ứng phó phù hợp”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.

Kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn

Đưa ra dự báo về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, lạm phát chịu nhiều sức ép tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao đối với công tác điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong những tháng còn lại của năm 2017.

Bên cạnh đó, thị trường hàng hoá sẽ chịu tác động của các yếu tố như dịch bệnh trên vật nuôi (cúm gia cầm) đang có nguy cơ bùng phát, giá cả nhóm hàng nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có xu tăng ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường; lương cơ bản điều chỉnh tăng... sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm 2017.

Trong bối cảnh tình hình thế giới chưa xuất hiện xu thế rõ ràng và đang thuận lợi trong ngắn hạn, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, nền kinh tế trong nước cần tập trung phát huy tối đa những tiềm năng đã có trong các tháng đầu năm.

Trong đó có thể kể đến các vấn đề như tăng nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn tư nhân và FDI đã cam kết và đăng ký từ các năm trước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước gắn với xuất khẩu, tranh thủ cơ hội giá cả thế giới đang phục hồi, tận dụng cơ hội các dòng vốn đầu tư và khách du lịch quốc tế đang thay đổi do những vấn đề địa chính trị thế giới và khu vực; chú trọng phát triển tiêu dùng trong nước, tạo thế ổn định và dự phòng ứng phó khi tình hình thế giới có thay đổi, đảm bảo nền kinh tế không bị tổn thương trước những tác động của tình hình thế giới.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc