Kinh nghiệm bổ ích giúp doanh nghiệp bán hàng trực tuyến thành công

06:57, 26/05/2017
|
(VnMedia) - Theo ông Nguyễn Trần Hưng - Khoa Hệ thống thông tin và Thương mại điện tử - Đại học Thương mại, để kinh doanh thành công, các doanh nghiệp và cá nhân bán lẻ trực tuyến cần tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàng hóa. Bên cạnh đó, cần có các phương pháp khác nhau để chứng minh được chất lượng và xuất xứ của hàng hóa, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng trực tuyến.
 
Doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm
 
Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, xác định các xu hướng tiêu dùng trực tuyến đã nhận được sự quan tâm rộng khắp của các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn có quá ít các nghiên cứu bài bản và dự đoán về tiêu dùng trực tuyến để doanh nghiệp có thể chủ động định hướng đón đầu và vận dụng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. 
 
Với các xu hướng trong tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam, để đón đầu và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong bán lẻ trực tuyến, ông Nguyễn Trần Hưng - Khoa Hệ thống thông tin và Thương mại điện tử - Đại học Thương mại cho rằng, các doanh nghiệp và cá nhân bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam cần đề cao và thực hiện tốt các vấn đề đạo đức trong kinh doanh trực tuyến, thực hiện hoạt động kinh doanh bền vững, tạo sự lan truyền trong cộng đồng người tiêu dùng.
 
Đặc biệt phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàng hóa khi kinh doanh trực tuyến. Có các phương pháp khác nhau để chứng minh được chất lượng và xuất xứ của hàng hóa, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng trực tuyến.
 
Tạo và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường hơn trong các hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp, bán hàng theo đúng cam kết với khách hàng trực tuyến. Thực hiện giao hàng đúng thời gian, nhanh chóng. Có các phương pháp đổi trả hàng nhanh chóng, thuận lợi cho khách hàng. 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cùng với những gọi ý trên, ông Nguyễn Trần Hưng cho rằng, các doanh nghiệp và nhãn hiệu Việt nên nhắm mục tiêu đến những người tiêu dùng trẻ vì đối tượng này có khả năng nắm bắt công nghệ nhanh, thích trải nghiệm các hoạt động mua sắm trực tuyến, sử dụng và thường xuyên xem các quảng cáo video trực tuyến. 
 
Cũng theo ông Hưng, nếu doanh nghiệp đang nhắm mục tiêu vào các khách hàng trẻ, doanh nghiệp cần nghiên cứu loại chương trình và nội dung mà khán giả mục tiêu của doanh nghiệp sẽ bị cuốn hút, sử dụng nó để thúc đẩy chiến dịch quảng cáo, truyền thông của doanh nghiệp đó.
 
“Tham gia với người tiêu dùng qua nhiều điểm tiếp xúc khác nhau, là một phần thiết yếu trong việc thực hiện quảng cáo video nhắm tới người tiêu dùng trực tuyến. Việc tạo ra các video tương tác mạnh mẽ, có tính tương tác có thể được đặt trên các kênh trực tuyến, sẽ giới thiệu một điểm tiếp xúc tinh vi cho chiến dịch của doanh nghiệp và tận dụng tối ưu xu hướng này”, đại diện Đại học Thương Mại chia sẻ.
 
Cần xây dựng cộng đồng khách hàng thân thiết
 
Một điểm nữa cũng được vị chuyên gia này đưa ra là, các doanh nghiệp nên sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tách biệt các thương hiệu sáng tạo khỏi sự mờ nhạt. Với sự đa dạng của các mạng xã hội và số lượng người dùng Việt sử dụng mạng xã hội tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, thì đây chính là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp và cá nhân bán lẻ trực tuyến Việt Nam tận dụng để truyền thông lan tỏa về thương hiệu doanh nghiệp, về sản phẩm dịch vụ tới các khách hàng mục tiêu tốt nhất. 
 
Trong đó, các doanh nghiệp và cá nhân bán lẻ trực tuyến Việt Nam cần phải xây dựng những cộng đồng khách hàng sử dụng, có quan tâm hoặc theo dõi doanh nghiệp trên mạng xã hội. Tại đây, các doanh nghiệp và cá nhân bán lẻ trực tuyến cho phép các khách hàng có thể trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. 
 
Khách hàng bất kỳ có thể đặt câu hỏi, xin tư vấn của những khách hàng khác - những người đã trải nghiệm với những tình huống khác nhau khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến sẽ đóng vai trò thúc đẩy các trải nghiệm này bằng cách giúp khách hàng tham gia mở rộng kết nối với xã hội, bạn bè, đồng nghiệp và chia sẻ với nhau những thông tin đáng tin cậy dựa trên các trải nghiệm sử dụng của mình. Điều này sẽ tạo sự thu hút và lan tỏa về sản phẩm, dịch vụ và về thương hiệu của doanh nghiệp tới những khách hàng tiềm năng khác. Thông qua đó cung cấp cho họ nhiều thông tin hơn, giúp họ có đủ căn cứ cần thiết để ra quyết định mua trực tuyến.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng sức ảnh hưởng của khách hàng trung thành để tạo ra nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến. Các doanh nghiệp và cá nhân bán lẻ trực tuyến cần tạo ra và nuôi dưỡng một số lượng khách hàng trung thành có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến những khách hàng khác. 
 
Khách hàng trung thành có thể là những chuyên gia tư vấn của ngân hàng sẵn sàng chia sẻ kiến thức, hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp và cá nhân bán lẻ trực tuyến cũng cần phải có sự hỗ trợ các khách hàng trung thành xây dựng uy tín trong cộng đồng. 
 
Đặc biệt, doanh nghiệp có thể thưởng tiền mặt cho những khách hàng thân thiết, hỗ trợ họ xây dựng các đoạn video, những câu chuyện về trải nghiệm có thật của khách hàng trong quá trình mua sắm trực tuyến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp để tạo sức ảnh hưởng tới cộng đồng khách hàng tiềm năng.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc