Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ người vay chăn nuôi lợn

08:38, 05/05/2017
|

(VnMedia) - Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian vừa qua ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ do giá lợn giảm mạnh, ảnh hưởng đến đời sống người chăn nuôi. Để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, ngày 28/4/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 3091/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.

Theo đó, các TCTD căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng thương mại cho vay được giữ nguyên nhóm nợ 01 (một) lần đối với một khoản nợ; Cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện trên toàn hệ thống, định kỳ hàng quý các TCTD báo cáo NHNN kết quả thực hiện các giải pháp nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các TCTD kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, xử lý.

ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi công văn của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại cũng đã công bố chương trình hỗ trợ. Theo đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã công bố dành gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho đối tượng là các hộ nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh.

Ngân hàng cổ phần Kiên Long cũng vừa quyết định giảm 30% lãi suất cho vay đối với các khách hàng hoạt động sản xuất - kinh doanh chăn nuôi lợn đã nhận cấp vốn tín dụng của ngân hàng này trong thời gian qua.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, ổn định phát triển, để sản phẩm chăn nuôi đủ sức cạnh tranh cả ở thị trường trong nước và quốc tế…

Phó Thống đốc: Phải đảm bảo lãi chứ không phải càng nuôi càng lỗ

Đề cập tới giá thịt lợn và việc Ngân hàng Nhà nước có những chỉ đạo đối với giảm lãi suất cho bà con nông dân chăn nuôi đang gặp khó khăn, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng, số chính sách là 29.344 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%, với số lượng bà con hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng.
 
Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, HTX, mô hình liên kết.
 
Như vậy, có thể nói vấn đề nuôi lợn với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng cũng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và DN không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ đồng.
 
Phó Thống đốc cũng cho biết, ngay từ khi có câu chuyện các DN và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ thì NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ ra cho bà con, đạt là 364,7 tỷ đồng.
 
Quan điểm của NHNN là sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có văn bản chỉ đạo ngay các ngân hàng thương mại: Đối với DN, bà con nông dân, do điều kiện giá thịt lợn đang giảm, tiêu thụ khó khăn thì tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm tức là giữ nguyên nhóm 1, với mức thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm.
 
Về vấn đề hỗ trợ lãi suất, việc này cũng căn cứ vào khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để bảo đảm làm sao hỗ trợ cho bà con một cách phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.
 
"Đặc biệt, tránh trường hợp hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc lại thiếu nên đối với những DN, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Đinh Bách


Ý kiến bạn đọc